Dân Miền Tây có “rành 6 câu vọng cổ”

Hôm nay đi làm trên đường Lý Tự Trọng – Quận 1, chợt thoáng nghe được giai điệu vọng cổ quen thuộc của vùng Tây Nam Bộ. Nhìn qua thì đó là cửa hiệu chuyên bán áo dài Việt Nam (không kịp đọc tên vì xe cộ khá tấp nập). Giữa Sài Gòn náo nhiệt, giai điệu vọng cổ thân thuộc chợt làm tôi có cảm giác trầm lắng và suy nghĩ về dòng nhạc quê hương.

Thời sinh viên tham gia đoàn hội, khi giới thiệu quê ở Tiền Giang. Các bạn thường hỏi lại “Dân Miền Tây chắc rành 6 câu vọng cổ”. Thú thật, mình là một người con của vùng đất Tây Nam Bộ nhưng hát vọng cổ là con số không.

Chủ nhật tuần trước, báo thanh niên có bài phỏng vấn Nghệ sĩ Thanh Sang về sân khấu vọng cổ cải lương. Ông khuyên các thế hệ đàn sau, hãy cố gắng giữ cái nghề thì tổ cũng sẽ không bạt đãi mình. Và tâm nguyện của ông đến cuối đời là được dựng lại vở cải lương “Đường gươm nguyên bá”.

Chương trình “12 con giáp Tết Ất Mùi” vừa rồi, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có nói đã xin được tài trợ cho bộ phim về Vọng cổ cải lương.

Khi tôi còn nhỏ, thời đó TV rất ít. Tôi còn nhớ các bà thường rủ nhau đi đến nhà nào có TV để xem cải lương đến tận khuya. Bây giờ, TV toàn các chương trình gameshow và phim đủ thể loại.

Thế hệ 8X đời tôi về sau này, tôi nghĩ rất ít người mê hát vọng cổ cải lương nữa. Đó cũng là lý do vì sao sân khấu cải lương ngày càng đi xuống và dần vắng bóng trong các chương trình âm nhạc.

Hy vọng các thế hệ vàng vọng cổ cải lương sẽ có nhiều giải pháp để theo đuổi nghề và truyền lại cho các thế hệ sau.

Chúc cho nghệ sĩ ưu tú Thanh Sang tìm được nguồn tài trợ để hoàn thành tâm nguyện của mình.

Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest
Scroll to Top