Giải mã bộ gen B.O.S.I của doanh nhân

Khám phá bản thân và làm những bài trắc nghiệm nhằm hiểu đúng và hiểu rõ về tài năng và tính cách của mình, từ đó, bạn sẽ chọn được một mô hình doanh nghiệp phù hợp để vững bước trên con đường khởi nghiệp và đi đến thành công.

Mỗi một loài hoa thích hợp với một vùng đất, một kiểu khí hậu, một cách chăm sóc khác nhau; mỗi một loài cá sẽ sống và sinh sôi nảy nở ở những vùng nước khác nhau; hay mỗi vùng miền sẽ có những sản vật đặt trưng và riêng có… Nếu đặt một giống loài sinh vật nào đó vào một môi trường không phù hợp, tiệt chủng là chuyện sớm xảy ra. Vì vậy, yếu tố phù hợp là vô cùng quan trọng, mang quyết định sự tồn tại, mức độ phát triển và lớn mạnh của mọi loài.

Con người cũng vậy, khi được sinh ra, từng cá nhân đã mang trong mình những tiềm năng độc đáo mà chỉ khi được phát hiện và phát huy đúng sẽ tạo ra những thành quả lớn lao và vượt trội. Chính vì thế, chẳng có chìa khóa hay bí quyết nào khác để khởi nghiệp thành công nếu đó không phải là chọn mô hình doanh nghiệp PHÙ HỢP với bản thân.

90% triệu phú trên thế giới đạt tới thành công và giàu có thông qua con đường khởi nghiệp – mở doanh nghiệp cho riêng mình. Nhưng có phải ai cũng có thể trở thành Bill Gates, Donald Trump, hay Warren Buffett? Liệu có một mẫu hình doanh nhân chuẩn nào để chúng ta bắt chước không?

Theo những nghiên cứu mới nhất, bạn chỉ có thể đạt kết quả tốt nhất khi bạn làm những việc phù hợp với tính cách của bạn. Nếu bạn đã từng biết qua các bài trắc nghiệm tâm lý và tính cách như DISC, MBTI, Personality Plus… thì đó là những bài trắc nghiệm dựa trên sự phân loại cơ bản của Carl Jung – phân làm 4 loại người: người hòa hợp, người bộc trực, người chỉ huy, người tư duy.

Gen khởi nghiệp của doanh nhân B.O.I.S

Cũng dựa trên mô hình tâm lý của Carl Jung mà tác giả Joe Abraham đã giới thiệu mô hình B.O.S.I để tìm hiểu mẫu tính cách doanh nhân phù hợp với mô hình doanh nghiệp. Bạn phù hợp với một doanh nghiệp lớn, qui mô khổng lồ và bắt đầu từ số 0; hay bạn phù hợp với một doanh nghiệp đã có sẵn hay bạn mua lại quyền kinh doanh (franchise); hay là bạn chỉ xây dựng doanh nghiệp tập trung vào phân phối, bán hàng; hoặc bạn là mẫu người chỉ làm công việc nghiên cứu và phát triển, đồng thời phải kết hợp với người mạnh về kinh doanh và xây dựng đội ngũ kinh doanh… Khi xác định rõ mình thuộc nhóm người nào, lúc đó bạn mới chọn được mẫu mô hình doanh nghiệp phù hợp với mình.

Sau đây là một vài đặc điểm của từng nhóm tính cách kinh doanh B.O.S.I, bạn thử đoán xem mình thuộc nhóm người nào. Tất nhiên, đây chỉ là dự đoán thôi, để có kết quả chính xác, bạn phải tham gia làm bài test. Nhưng trước tiên, hãy thử tìm hiểu xem!

Người xây dựng (B-Builder)

Điểm mạnh: Người Xây Dựng tận dụng “thời cơ vàng trong kinh doanh” để tạo ra các hệ thống và các dự án có khả năng tăng trưởng cao. Đa số thời gian dành cho công việc kinh doanh. Họ là những nhà lãnh đạo bẩm sinh. Họ dễ dàng thu hút những nhà đầu tư tiềm năng, khách hàng và đồng sự với tầm nhìn và thương hiệu cá nhân của mình.

Điểm yếu: Họ khó cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân – gia đình. Họ cảm thấy vô cùng khó khăn khi phải nhờ sự giúp đỡ. Khi bất đồng ý kiến, họ càng cảm thấy khó khăn để tiếp tục mối quan hệ.

Cá tính: Dễ cảm thấy thất vọng nếu người khác không đáp ứng được kỳ vọng cao của họ. Dễ cảm thấy mệt mỏi khi bị bao quanh bởi bạn bè và những người hâm mộ. Dễ cảm thấy chán nản khi đồng sự không biết chịu trách nhiệm hoàn toàn với công việc đang làm.

Người nắm bắt cơ hội (O-Opportunist)

Điểm mạnh: Là người làm việc rất bài bản khi tập trung vào một dự án. Phải làm việc 10-18 giờ/ ngày là chuyện thường đối với họ. Luôn lạc quan với cuộc sống, nên họ có khả năng quay trở lại rất nhanh sau những “va vấp”. Họ có tinh thần học hỏi cao.

Điểm yếu: Khó từ chối trước một cơ hội nào đó, điều này dễ khiến họ phải trả giá về tiền bạc, thời gian, năng lượng nếu không kiểm soát tốt. Làm việc cần cù nhưng không nắm bắt tận gốc rễ. Người Nắm Bắt Cơ Hội cho rằng những người thích phân tích là những kẻ “chậm chạp” và “bảo thủ”.

Cá tính: Đối với họ, tự do tài chính như là một mục tiêu di động. Nhiều khi cảm thấy sắp đạt được mục tiêu thì nó lại biến mất. Những kẻ “đánh cắp ước mơ” và những đối tượng tiêu cực làm Người Nắm Bắt Cơ Hội cảm thấy khốn khổ. Trớ trêu là những người này lại thường là những người rất gần gũi thân thiết với Người Nắm Bắt Cơ Hội. Để có vốn liếng, họ có thể rất thủ đoạn nhằm đạt mục đích, đặc biệt là đối với số tiền lớn.

Nhà sáng kiến (I-Innovator)

Điểm mạnh: Ý tưởng sáng tạo, đổi mới luôn dồi dào. Khi cung cấp đủ nguồn lực và thời gian, họ có thể tạo ra cả một kho sản phẩm mới. Họ xem trọng chất lượng hơn lợi nhuận. Sự tinh thông của Nhà Sáng Kiến giúp họ tạo dựng uy tín trên thương trường.

Điểm yếu: Không có khiếu phát triển kinh doanh. Nếu không kiểm soát tốt, nhiều sản phẩm/ dịch vụ tạo ra sẽ dễ bị lụi tàn. Là người cả tin. Một kẻ “dẻo miệng” có thể thuyết phục họ từ bỏ vị trí kiểm soát công ty hoặc một công nghệ. Có xu hướng mang vác gánh nặng của người khác – của khách hàng hoặc của đồng sự. Điều này dễ khiến họ bị stress nặng hoặc cảm xúc bị ảnh hưởng xấu.

Cá tính: Nhà Sáng Kiến cảm thấy căng thẳng khi phải điều hành doanh nghiệp hoặc quản lý kinh doanh, họ thích hợp làm nghiên cứu và phát triển sản phẩm hơn. Coi trọng việc đổi mới còn hơn cả bản thân mình.

Chuyên gia (S-Specialist)

Điểm mạnh: Chuyên Gia luôn học hỏi để mở rộng việc kinh doanh, họ đầu tư liên tục vào việc học tập. Chuyên Gia không thích rủi ro, điều này khiến họ không chấp nhận mạo hiểm ngay cả khi cơ hội đang đứng rất gần. Chuyên Gia hiểu tầm quan trọng của các mối quan hệ trong kinh doanh, nên họ tập trung vào xây dựng các mối quan hệ lành mạnh với khách hàng và cộng sự.

Điểm yếu: Họ bị mắc kẹt khi có yêu cầu phải tăng trưởng, điiều này khiến cho dự án kinh doanh đôi khi bị hạn chế tiềm năng phát triển. Rất khó để Chuyên Gia chuyển đổi từ tư duy tuyến tính sang tư duy đột phá.

Cá tính: Chuyên Gia khó trở nên nổi trội trên thương trường trước các đối thủ có cùng sản phẩm/ dịch vụ. Chuyên Gia cảm thấy thất vọng khi quan sát thấy các Chuyên Gia khác dùng chiến lược hạ giá để kéo khách hàng tiềm năng đến với mình. Họ cảm thấy chán nản khi không có khả năng giữ người – đội ngũ quản lý – cũng như không có khả năng kiểm soát việc mất nhân sự.

Theo Quách Tuấn Khanh

Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest
Scroll to Top