Hai lúa nói về nông dân và lúa

Tự nhận mình là Hai lúa xuất thân từ gia đình thuần nông dân ở vùng Đồng Tháp Mười. Vùng này mỗi năm phải đón một cơn lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về. Khi tôi còn nhỏ, khi đó chưa có đê bao ngăn lũ chằng chịt như bây giờ. Mỗi năm làm 3 vụ lúa (đông xuân, hè thu và vụ 3 còn gọi là thu đông) xong thì để đất không chờ lũ về để bắt tôm cá mà ăn. Đồng thời lũ về cũng bù đắp phù sa cho đồng ruộng và trôi đi các côn trùng sâu bệnh gây hại để vụ mùa năm sau được tốt hơn. Bởi thế quê tôi chỉ quanh đi quẩn lại cũng sống với cây lúa. Có thể nói cây lúa sinh ra tôi và nuôi tôi khôn lớn!

Sau này khi chính sách đê bao khép kín được thực hiện, năm nay lũ càng nhỏ hơn năm trước. Tuy không có lũ lớn nhưng không vì thế nguồn thu về kinh tế chuyển dịch sang cây hoặc con khác. Vì vùng đất Đồng Tháp Mười đất đai không được màu mở và thích hợp cho cây ăn trái nên cây lúa cũng chính là kinh tế nhất. Tuần rồi có 3 sự kiện làm tôi suy nghĩ nhiều về nông dân và cây lúa.

Thứ nhất, gọi điện về quê hỏi thăm tình hình nhà cửa, công việc và sức khỏe cha mẹ. Hỏi về giá lúa có tăng không thì mẹ nói “không tăng mà còn giảm” nữa. Vừa nghe chính phủ đồng ý cho mua tạm trữ lúa gạo nên nghĩ giá lúa sẽ nằm ngang chờ qua thời khó khăn. Trước đây cũng nhiều chương trình thu mua tạm trữ đều không có lợi ích cho người nông dân trồng lúa.

Thứ hai, sự kiện các hợp tác xã ký hợp đồng với các công ty để trồng lúa chất lượng cao. Đến khi thu hoạch giá lúa giảm thì công ty tìm đủ mọi cách để không mua như thỏa thuận. Dẫn đến khi thu hoạch nhà nông bơm nước vào cho tăng khối lượng khi cân nhưng lại giảm giá trị hạt gạo khi xay. Trước đây cũng có nghe nhiều chương trình về liên kết 4 nhà rất rầm rộ là nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông. Chẳng lẽ chương trình này đã không còn tác dụng nữa?

Thứ ba, hôm nay GS.VS Trần Đình Long lý giải cho nghịch lý nông dân Việt Nam hay rơi vào tình trạng được mùa thì mất giá còn lúa gạo khó cạnh tranh. Và việc các tổng công ty lương thực lộ vai …con buôn.

Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT khuyên giới trẻ đi làm nông nghiệp. Bên cạnh việc triển khai các dự án ứng dụng công nghệ cao để cải thiện năng suất, hiệu quả hoạt động nông nghiệp tại Việt Nam, những bạn trẻ muốn kinh doanh, lập nghiệp thành công còn có một hướng đi khác khá thú vị đó là học thêm ngoại ngữ để đi làm nông nghiệp ở nước ngoài.

Chuyên gia kinh tế bà Phạm Chi Lan thì nhắc “Cần nhớ dù nông nghiệp chỉ còn là 20% GDP, nhưng vẫn là hơn 25% kim ngạch xuất khẩu, và nhất là thu hút 50% lực lượng lao động và gắn với số phận của khoảng 65% dân số cả nước sống ở nông thôn.”

Đúng là có quá nhiều sự kiện và con số để Hai Lúa suy nghĩ về nông dân và lúa!

Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest
Scroll to Top