Xây dựng một xã hội tử tế – Thầy Giản Tư Trung

Có vô số góc nhìn về con người và dựng người, nhưng ở đây tôi chỉ chia sẻ một lát cắt nhỏ về vấn đề này.

Xây dựng một xã hội tử tế - Giản Tư Trung

Để dựng người, ta có thể hình dung cấu trúc văn hóa của con người gồm có ba lớp.

Lớp bên ngoài là hành vi và thái độ, lớp thứ hai là bản tính và giá trị, và lớp trong cùng chính là căn tính và đức tin – thứ làm nên cốt cách của con người. Việc dựng người lâu nay, với rất nhiều môn học và vô số bài học về văn hóa, đạo đức, nhưng thực ra vẫn chưa chú trọng đến chuyện hình thành cốt cách này.

Con người sống có đức tin sẽ có lý tưởng, mà khi có lý tưởng thì cũng thường sống dấn thân, và như vậy thì thế nào cũng có thành tựu.

Thành tựu thì không chỉ là tiền tài, địa vị hay danh vọng…, mà thành tựu lớn nhất đó là được sống cuộc đời mình muốn, được sống đúng cốt cách của mình, được là người và được là mình. Ngược lại, khi không có thiện căn và cũng chẳng có đức tin thì ta có thể hình dung được cuộc đời ấy sẽ ra sao.

Tuy nhiên, khi đề cập đến đức tin thì không thể không bàn đến khai minh. “Khai” là mở và “minh” là sáng, khai minh tức là mở con người vô minh (tăm tối) của mình ra để đưa ánh sáng vào làm cho mình “sáng ra”, và thứ ánh sáng quan trọng nhất đó chính là chân lý, tự do và sự thật.

Những kẻ cuồng tín IS hay phát xít cũng có đức tin, nhưng đó là những đức tin trên nền tảng của sự vô minh chứ không phải khai minh. Tuy nhiên, có điều còn đáng ngại hơn nữa, đó là có đức tin và luôn miệng nói về đức tin đó nhưng thực ra lại chẳng tin gì vào nó cả. Khi đó con người ta sẽ trở nên trí trá, hai mặt (thậm chí nhiều mặt) và đáng sợ biết bao.

Căn tính và đức tin, cái lõi sâu nhất trong cấu trúc văn hóa của con người, thì không chỉ có “bề trên” (Chúa, Phật, Thánh, Trời, Tổ tiên…) mà còn có cả “bề trong” (lương tri và phẩm giá của mình). Trong 100 việc mà ta làm thì có khi chỉ có 1 việc là người khác biết, còn 99 việc kia chẳng ai biết cả.

Do vậy, nếu ta không có “bề trên”, cũng chẳng có “bề trong” thì có nghĩa là ta không có “chân thắng”, cũng chẳng có “chân ga” cho cuộc đời của mình. Khi đó đâu có gì ngăn ta lại trước cái sai, cái xấu và cũng đâu có động lực gì thôi thúc ta dấn thân cho điều đúng, điều đẹp.

Như vậy, dựng lại người hay dựng mới người thì cần giúp con người biết cách tự lực khai phóng, từ đó biết cách dựng cái “bề trong và bề trên” cho chính con người và cuộc đời của mình. Khi đó ta không chỉ có những con người tử tế, những gia đình tử tế, những tổ chức tử tế, mà còn có cả một xã hội tử tế.

Giản Tư Trung (Viện trưởng Viện Giáo dục IRED)
————————–————————–————–
*Bài viết này đăng trên báo Tuổi Trẻ Xuân Mậu Tuất 2018, trong chuyên mục đầu xuân “Nói về chuyện Nếp Người”.

Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest
Scroll to Top