Tất cả các doanh nghiệp nhỏ đều phải trải qua các vấn đề tương tự nhau phát sinh trong mỗi giai đoạn của quá trình phát triển. Các điểm tương đồng đó khi được hệ thống hoá sẽ giúp chúng ta hiểu rõ bản chất, đặc điểm và các thách thức chủ yếu doanh nghiệp phải đối mặt trong mỗi giai đoạn phát triển.
Đặc điểm của phần lớn DN Việt Nam khi mới thành lập:
– Xuất phát từ hai bàn tay trắng là chủ yếu – Không có kế thừa – Độc lập trong hành động, đa dạng về cấu trúc tổ chức và phong cách quản lý – Đươc đào tạo tại các trường lơp có kiến thức nhưng thiếu kinh nghiệm.Hiểu rõ các giai đoạn phát triển của các doanh nghiệp dưới đây sẽ giúp chúng ta chủ động trong quá trình khởi nghiệp kinh doanh. Mỗi giai đoạn được đặc trưng bởi các đặc điểm liên quan đến quy mô, sự khác biệt, mức độ phức tạp và yếu tố quản lý.
Giai đoạn I: Hình thành – thành lập doanh nghiệp
Đặc điểm của doanh nghiệp ở giai đoạn này là: Thiếu vốn, thiếu người, thiếu mặt bằng sản xuất, thiếu kinh nghiệm quản lý, chưa có thương hiệu và thị phần. Để khắc phục các điểm yếu doanh nghiệp cần tập trung vào các vấn đề: Xác định thị trường mục tiêu, chọn phân khúc thị trường thích hợp, định vị sản phẩm của mình trên phân khúc thị trường mục tiêu, tạo dựng uy tín, dịch vụ phục vụ cho tốt, giá cạnh tranh, tạo ấn tượng cho khách hàng, tiết kiệm chi phí.
Cách thức thực hiện xây dựng doanh nghiệp giai đoạn hình thành:
– Do thiếu vốn, thiếu người nên cần kiêm nhiệm. – Phải tìm được người đồng cảm, đồng hành với mình, sống với nhau bằng tâm, trách nhiệm. – Tránh dùng người chỉ nghỉ đến tiền. – Dùng người trọng nghĩa khinh tài, tránh người trọng tài khinh nghĩa. – Xây dựng văn hóa đoàn kết, gần gủi để xử lý kịp thời khúc mắc, các bộ phận hỗ trợ nhau kinh nghiệm. – Chi phí chỗ ngồi – lương –“nhàn cư vi bất tiện”. – Lãnh đạo phải là tiêu điểm, là tấm gương mọi lúc mọi nơi.
Giai đoạn II: Thời kỳ hình thành rõ nét
Giai đoạn này được hình thành từ 3 đến 5 năm kể từ khi bắt đầu thành lập doanh nghiệp. Đặc điểm của doanh nghiệp giai đoạn này gồm: sẽ mất một vài nhân sự chủ chốt, thâm chí người tin tưởng – do đặc tính thời kỳ hình thành là kiêm nhiệm nên có nhiều người toàn diện, có kinh nghiệm sẽ tự lập công ty riêng; sẽ thấy khó tiến lên tiếp – thấy thiếu mà không biết thiếu gì mặt dù đã tích lũy được thị phần, ít vốn, có kinh nghiệm. Để khắc phục điểm yếu ở giai đoạn này cần phải trả lời các câu hỏi: Mình đang ở phân khúc thị trường nào? Xác định lại mình đang ở đâu? Mình cần phải làm những gì lúc này? Thiếu kỹ năng gì không? Thiếu những con người nào? Sẽ tiến đến đâu trong 5 năm tới? Xây dựng doanh nghiệp cỡ nào?
Cách thức thực hiện xây dựng doanh nghiệp trong giai đoạn hình thành rõ nét:
– Sắp xếp lại các phòng ban – Thêm các phòng ban, bộ phận để chuyên môn hóa một số bộ phận quan trọng. – Chọn việc nào cần làm trước. – Chọn đầu tư gì trước: con người, máy móc thiết bị, mặt bằng sản xuất, hay vị trí văn phòng nhưng phải đạt yếu tố: “Nhất cự ly, nhì tốc độ”. – Yếu tố: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Vì vậy là thời kỳ xây dựng nền móng cho doanh nghiệp.
Giai đoạn III: Phát triển dẫn đến xây dựng lực lượng
Ở giai đoạn này cần phải học cách chiêu hiền đãi sĩ, phục vụ người khác, lựa chọn tinh lọc theo: “Dụng nhân như dụng mộc”. Để phát triển qua giai đoạn này cần tập trung vào: xác định rõ ràng phân khúc thị trường, định hướng doanh nghiệp trong 3 – 5 năm nữa, cấu trúc doanh nghiệp về: tài chính – kiểm soát nội bộ, xây dựng thương hiệu bằng nội lực (chất lượng sản phẩm, giao hàng đúng cam kết…) kết hợp với ngoại lực như marketing, quảng cáo, truyền thông…
Cách thức thực hiện xây dựng doanh nghiệp trong giai đoạn xây dựng lực lượng:
– Khách hàng lớn hơn. – Mục tiêu các phòng ban chức năng phải vạch rõ ra. – Chuyên môn hóa công việc. – Chia sẽ các mức độ thông tin. – Phải chấp nhận có vuột mất các khách hàng do họ liên kết tay phải, tay trái. – Chú trọng con người phải có tầm cao hơn.Giai đoạn IV: Ổn định dẫn đến tích lũy vốn, con người, gặt hái thành quả
Giai đoạn này doanh nghiệp đã phát triển ổn định và phát đạt với số lượng khách hàng trung thành chiếm vị trí trên thương trường. Tăng trưởng bán hàng không còn bùng nổ như trước nhưng vẫn duy trì trong tầm kiểm soát. Việc kinh doanh cũng trở thành một “thói quen” với các quy trình rõ ràng nhằm bảo đảm cho tính kiên định, lâu dài đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên thương trường vô cùng tàn nhẫn, khốc liệt và mang tính cạnh tranh cao.
Giai đoạn này doanh nghiệp có thể “tạm nghỉ ngơi” và hài lòng với những thành tích đã đạt được. Chủ doanh nghiệp đã làm việc cật lực và cũng cần thư giãn. Nếu bạn là người cầu toàn bạn sẽ dừng ở đây, nhiều người sẽ khuyên bạn: làm gì cho lắm.
Để cạnh tranh trong giai đoạn này doanh nghiệp cần tập trung:
– Sự thay đổi thị hiếu của khách hàng – Nguồn vốn kinh doanh – Quy trình kinh doanh tốt hơn bằng cách cải tiến năng suất lao động – Đầu tư đổi mới máy móc thiết bị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và cải tiến năng suất lao động.
Giai đoạn V: Giai đoạn mở rộng
Sự tăng trưởng mới trong thị trường mới và các kênh phân phối là những đặc trưng cơ bản dễ thấy trong giai đoạn này. Đây là giai đoạn cho sự lựa chọn của các ông chủ doanh nghiệp nhỏ nhằm chiếm lĩnh thị phần lớn hơn và tìm kiếm nguồn doanh thu mới cũng như các kênh kinh doanh khác mang lại lợi nhuận cao. Chủ doanh nghiệp nên tập trung những công việc kinh doanh mạo hiểm một chút. Điều này sẽ làm giàu thêm khả năng hiện tại và kinh nghiệm của chính họ. Tiến lên phía trước lao vào những lĩnh vực kinh doanh mới không liên quan có thể là cách thử sức với những thử thách tàn khốc. Cụ thể là doanh nghiệp nên tăng thêm những sản phẩm, dịch vụ mới và tung ra thị trường hiện tại hay mở rộng những sản phẩm dịch vụ đã có vào thị trường mới, vào các đối tượng khách hàng khác nhau
Đặc điểm nổi bật của doanh nghiệp ở giai đoạn này:
– Gặp sóng lớn. – Thuyền không đủ to để vượt sóng lớn. – Trình độ thuyền trưởng chưa đạt. – Quên ngành nghề kinh doanh cốt lỗi – chạy theo ngành nghề mới với lợi nhuận cao – Sẽ có người ngã ngựa ở giai đoạn này. Có thể đi đến phá sản và trả giá nhưng nếu đúng doanh nghiệp sẽ thành công rực rỡ.
Giai đoạn VI: Giai đoạn suy thoái
Những thay đổi về điều kiện thị trường, xã hội, nền kinh tế có thể làm giảm số lượng bán hàng, do đó lợi nhuận cũng giảm theo. Vấn đề này có thể làm cho nhiều doanh nghiệp phá sản nhanh hơn. Bởi các doanh nghiệp trong giai đoạn này sẽ phải đương đầu với rất nhiều thử thách như lợi nhuận và doanh số bán hàng suy giảm, dòng ngân lưu có thể rơi vào tình trạng thâm hụt. Vấn đề lớn nhất đó là kéo dài thời gian để doanh nghiệp có thể hỗ trợ cho dòng ngân lưu đang không mấy khả quan này.
Chủ doanh nghiệp có thể bắt đầu tự hỏi liệu đã đến lúc chuyển sang giai đoạn cuối cùng của chu trình nhịp sống doanh nghiệp – giai đoạn từ bỏ (tan rã) hay chưa. Họ cũng nên tìm kiếm những cơ hội mới, những mạo hiểm kinh doanh mới. Biện pháp cắt giảm chi phí và tìm ra những hướng đi mới nhằm mở rộng dòng ngân lưu là những việc làm cấp bách, cần thiết cho giai đoạn này. Nguồn vốn có thể huy động từ nhà cung cấp, khách hàng, cổ đông.
Vượt qua được giai đoạn khó khăn này doanh nghiệp sẽ bắt đầu một chu trình kinh doanh khác với kế hoạch kinh doanh mới được hình thành.