Công thức tìm lại chính mình

Để thực sự là bạn đôi khi cần thiết phải quên đi chính bản thân bạn.

Như Socrates từng nói: “Cuộc sống không chiêm nghiệm thì không đáng để sống.” Warren Bennis(1989) bổ sung thêm rằng sống mà không chiêm nghiệm thì không thể nào thành công được. Ông ta ví von việc chiêm nghiệm giống như những tay đua thuyền, chúng ta từ từ tiến nhưng vẫn nhìn về phía sau, nhưng chỉ khi chúng ta “thấy” được quá khứ, thực sự hiểu nó thì chúng ta mới thực sự tiến lên và thành công được. Và để có thể hiểu được công thức trở thành bản thân mình, có lẽ – theo tôi – cần dành chút thời gian nhìn lại quá khứ.

Công thức tìm lại chính mìnhRõ ràng chúng ta không thể phủ nhận rằng sự phát triển của chúng ta cho đến ngày nay, suy nghĩ, giọng văn, cách ăn nói, tư tưởng, … là do khả năng bắt chước. Không ai phủ nhận điều này. Warren Bennis (1989) cũng cho rằng chúng ta không tránh xa, hay gạt bỏ hoàn toàn, vai trò của gia đình, trường học hay bất kỳ một phương pháp giáo dục đồng nhất nào. Nhưng ông ta cũng cho rằng chúng ta cũng nên thấy được chúng có mục đích gì, cái gì có thể đánh đồng được và cái gì không nên đánh đồng được với nhau.

Người Việt mình có câu: “Hãy nói cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ nói anh biết anh là người như thế nào”. Câu này tôi nghe có vẻ có vần điệu nhưng không hợp lý vì cách đánh đồng của nó. Thông thường người ta đánh đồng như sau:

Gia đình + Trường học + Bạn bè = Con người bạn

Nhưng công thức phù hợp – theo Warren Bennis – với những ai muốn tự thay đổi mình là:

( Gia đình + Trường học + Bạn bè ) / (Bản thân bạn ) = Thực sự là bạn.

Tôi rất ít xem TV nhưng nhờ được nghỉ Tết nên có xem chương trình CEO Exchange, một chương trình Đối thoại CEO, họ đối thoại trực tiếp với các CEO nổi tiếng, tìm hiểu đời tư, suy nghĩ, và cách mà CEO đã thành công cũng như lý do phía sau các quyết định táo bạo. Dường như cựu CEO của GE (General Electric Company), Jack Welch , người đã đưa tổng tài sản của GE từ 13 triệu USD ở năm 1981 (năm ông được bổ nhiệm làm CEO của GE) lên 500 triệu USD vào năm 2000 có cùng suy nghĩ với Warren Bennis khi ông cho rằng “Chúng ta là sản phẩm của chính hoàn cảnh của mình”.

Nếu ta đồng ý với tư tưởng này: “Chúng ta là sản phẩm của chính hoàn cảnh của mình” thì công thức trên rõ ràng có ý nghĩa. Có nhiều bạn tôi nói chuyện cho rằng muốn được cái này, vị trí kia…thì cần làm giống cái ông này làm, ông kia làm … Và thường cho rằng đó chính là con đường duy nhất phải đi. Bạn hành động như họ làm, rập khuôn, và cái bạn nhận được giống như kinh nghiệm họ nói và bạn trầm trồ: “Họ nói đúng!” – Đơn giản là vì bạn đi theo con đường họ đã đi và cái bạn đạt cũng không hơn gì cái họ đạt! Việc bạn lựa chọn theo những con người nào đó không có gì là sai nhưng nếu muốn tìm lại chính mình (không phải vay mượn hình bóng của một ai khác) và đạt được những thành công của mình thì đôi khi cũng nên thử. Giống như Jack Welch từng chia sẻ về quyển sách của mình “Jack: Straight from the Gut”, ông nói rằng nếu như quyển sách này muốn nói lên điều gì thì đó chính là mỗi con người chúng ta đều có ít nhất 1 lần thử, hãy dùng nó, đừng sợ thất bại, đừng sợ xấu hổ, đừng sợ bị chế nhạo, … Hãy can đảm đặt dấu chia (/) để tìm thấy bản thân mình.

Nếu như trong Tài chính người ta có nghịch lý “the profit-seeking paradox” (John Kay (2010). Obliquity: Why Our Goals Are Best Achieved Indirectly), trong Marketing quốc tế ta có nghịch lý “The psychic distance paradox” (O’Grady S. & Lane W.H. (1995). The psychic distance paradox, Journal of International Business Studies, 27(2): 309-333). Và rất nhiều nghịch lý trong các lĩnh vực khác nhau. Cho nên không có gì là quá táo bạo nếu ta có thêm một nghịch lý ở đây đó là: Để thực sự là bạn đôi khi cần thiết phải quên đi chính bản thân bạn.

Theo công thức này thì thay vì bị kinh nghiệm điều khiển mình đi theo hướng của nó, bạn hãy làm nên chính bản thân mình. Bạn trở thành nguyên nhân và kết quả chứ không đơn thuần là kết quả.

Cũng như Warren Bennis nhấn mạnh: “Bạn có thể tạo ra cuộc đời của chính mình bằng cách thấu hiểu nó”

  • Để hiểu bản thân bạn (số chia) nên suy nghĩ về cái tôi
  • Để hình dung những con người tin theo công thức: Gia đình + Trường học + Bạn bè = Con người bạn, có lẽ thích hợp gọi là: “Đám đông cô đơn”

Cái tôi

William James viết trong The Principles of Psychology, năm 1890. Cái tôi của một người là toàn bộ những gì mà anh ta có thể cho là của mình, không chỉ thân xác anh ta, sức mạnh tinh thần, mà còn cả quần áo, nhà cửa, vợ con, tổ tiên, bạn bè, danh tiếng, sự nghiệp, đất đai, ngựa, thuyền buồm và tài khoản ngân hàng của anh ta nữa. Tất cả những yếu tố đó tạo cho anh một cảm xúc giống nhau. Nếu như (anh ta cảm thấy) những tài sản trên đều sung túc, anh ta cảm thấy mình là người chiến thắng, nếu tài sản này ngày càng lụn bại, anh ta sẽ cảm thấy chán nản.

Cảm nhận của chúng ta về thế giới này phụ thuộc hoàn toàn vào con người mà chúng ta muốn trở thành và những điều mà chúng ta muốn làm.

Đám đông cô đơn

Có một đoạn trích dẫn trong một cuốn tiểu thuyết Lonely Crowd của David Riesman tôi rất thích và đọc nhiều lần, đoạn trích như sau:

Cội rễ hướng đi, quyết định từ trong thẳm sâu của mỗi người thật ra là được người khác nuôi cấy từ những năm đầu đời và sau đó phát triển một cách tổng quát lên. Nhưng dù sao điều này chắc chắn không tránh được vì chúng hầu như đã được định thành số mệnh cả rồi. Trong khi điểm chung của những người chịu sự ảnh hưởng bên ngoài là cuộc sống của họ do một số cá nhân định hướng, có thể là người họ trực tiếp quen biết hoặc có thể quen biết qua bạn bè hoặc cũng có thể thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Nguồn tiếp thu một cách vô thức đó phụ thuộc vào những định hướng đầu đời của mỗi người. Quá trình phấn đấu theo những mục đích đã được định sẵn của những người này thật ra là quá trình như sau: phấn đấu cố gắng theo một quy trình, cố gắng quan sát kỹ các tín hiệu từ những người khác và giữ không để cho bản thân khác biệt so với họ trong suốt cuộc đời.

Nói cách khác, hầu hết chúng ta là sản phẩm của những người lớn hay từ sức ép của những người cùng trang lứa.

Có lẽ để trở thành chính mình bạn phải biết tự định hướng cho bản thân. Hãy ngừng lại và suy nghĩ về điều này một lát. Để thực sự trở thành chính mình, bạn phải quyết định hướng đi của mình.

  • Chính sự học hỏi và hiểu biết giúp chúng ta tự định hướng.
  • Mối quan hệ với những người chung quanh giúp ta hiểu hơn về bản thân mình.

Và đừng bao giờ để chúng ta ở giữa đám đông nhưng vẫn thấy cô đơn nhé!

Lương Phước Vinh

Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest
Scroll to Top