Để trở thành công dân toàn cầu

Theo định nghĩa của Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Công dân toàn cầu là những người sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau. Họ có thể có một hoặc nhiều quốc tịch”. Bài viết này không bàn về khái niệm, nguồn gốc hình thành hay ảnh hưởng của các công dân toàn cầu. Ở đây tôi muốn nói đến điều kiện để trở thành công dân toàn cầu theo cách nhìn nhận của chính mình.

Theo tôi để trở thành công dân toàn cầu chúng ta cần hội đủ ít nhất các điều kiện sau:

1. Thông thạo một ngoại ngữ. Nếu không thể nói được một ba hay bốn ngoại ngữ thì ít nhất chúng ta phải kiên trì nói được một ngoại ngữ khác tiếng mẹ đẻ của mình (cá nhân tôi chọn Tiếng Anh). Tiếng Anh thực sự đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế. Tôi tin nếu chúng ta kiên trì theo đuổi thì bất cứ ai cũng có thể làm được. Mới đây nguyên TGĐ của FPT có nhắc lại câu nói “Học tiếng anh không cần phải thông minh, ở Anh bất cứ thằng ngu nào cũng có thể nói tiếng Anh”.

2. Trình độ kiến thức và chuyên môn. Theo quá trình hội nhập quốc tế, các tập đoàn lớn của các nước đã đầu tư vào Việt Nam. Nhu cầu nhân sự của các tập đoàn này rất lớn. Tuy nhiên, chúng ta phải có trình độ kiến thức chuyên môn sâu và thực tế thì mới đủ điều kiện làm việc cho các tập đoàn nước ngoài.

3. Làm việc tại tập đoàn nước ngoài. Tôi nghĩ không nhất thiết phải sống và làm việc tại nước ngoài thì mới có thể làm công dân toàn cầu. Gần đây, tôi thấy khá nhiều người Việt Kiều đã quay về Việt Nam để làm việc cho các tập đoàn nước ngoài hoặc tự mở công ty kinh doanh riêng với chính kiến thức và kinh nghiệm họ đã học được tại nước ngoài.

4. Tham gia tổ chức toàn cầu. Bạn có thể làm việc cho các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, WTO, IMF… hoặc các tổ chức phi chính phủ. Chúng ta cũng có thể đóng góp các công trình nghiên cứu khoa học của mình cho các tổ chức học thuật uy tín thế giới.

Có thể các bạn sẽ bảo còn rất nhiều điều kiện nữa thì mới có thể trở thành một công dân toàn cầu. Nhưng với tôi chỉ cần đạt được 4 điều kiện như trên là được. Hiện tại tôi vẫn chưa là một công dân toàn cầu, nhưng tôi tin mình sẽ theo đuổi mục tiêu này đến cùng. Tôi xin mượn một câu của người Trung Hoa xưa để kết thúc cho bài viết của mình: “Hành trình vạn dặm khởi đầu từ những bước chân đầu tiên”.

Lê Thanh Trông.

Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest
Lên đầu trang