Lập kế hoạch kinh doanh

Môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh khốc liệt đang khiến cho việc khởi nghiệp kinh doanh ngày càng khó khăn. Lập bảng kế hoạch kinh doanh chi tiết có thể giúp cho việc triển khai các ý tưởng kinh doanh của bạn được thành công hơn và giảm thiểu khả năng thất bại.

Business Plan

Trước khi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh bạn phải lập một kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh, từ khâu phát triển một ý tưởng kinh doanh, nghiên cứu thị trường và tính khả thi của ý tưởng đó, cho đến việc quản lý các hoạt động kinh doanh hàng ngày khi bắt tay vào thực hiện các ý tưởng kinh doanh đó. Kế hoạch kinh doanh phải được viết một cách rõ ràng dựa trên các nguồn lực và nghiên cứu thực tế.

Theo tôi kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh gồm 10 nội dung cần thiết như sau:

1. Giới thiệu tóm tắt kế hoạch kinh doanh

Phần này giới thiệu tổng quan nhất về  dự án kinh doanh như ý tưởng kinh doanh, về mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của dự án kinh doanh. Mục tiêu kinh doanh chính là kết quả cần đạt được của ý tưởng kinh doanh. Bạn cần đặt ra và trả lời các câu hỏi sau: Sản phẩm và dịch vụ của bạn là gì? Khách hàng mục tiêu của bạn là ai? Nguồn vốn tài trợ cho dự án lấy từ đâu?  Bạn đạt được thành quả gì từ việc kinh doanh? Làm thế nào để đo lường mức độ thành công của việc kinh doanh về doanh thu, lợi nhuận, thị phần, đóng góp xã hội?

2. Nghiên cứu và phân tích thị trường

Nghiên cứu và phân tích thị trường giúp định vị sản phẩm/dịch vụ của bạn trong thị trường mục tiêu. Bạn cần phân tích 4 yếu tố sau:

– Phân tích ngành

– Khách hàng mục tiêu

– Độ lớn của thị trường mục tiêu

– Xu hướng của thị trường

3. Phân tích đối thủ cạnh tranh

Xem xét trên thị trường đã có những công ty, tổ chức nào đã kinh doanh trong cùng ngành, khách hàng của họ là ai, thị phần của họ như thế nào … Phân tích đối thủ cạnh tranh giúp xác định khả năng cạnh tranh của sản phẩm/dịch vụ bạn dự định cung cấp.

4. Chiến lược Marketing

Những chiến lược bạn sẽ thực hiện để lôi kéo khách hàng mục tiêu và quan trọng hơn là để giữ khách hàng khi đã sử dụng sản phẩm và dịch vụ của bạn. Luôn đặt câu hỏi: làm thế nào để khách hàng biết sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp và chiến lược marketing nào là tốt nhất để làm điều đó. Dù cho sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp của bạn tốt đến mức nào đi nữa nhưng sẽ là vô nghĩa nếu như không ai biết đến.

5. Phân tích SWOT

Bạn phải biết điểm mạnh, điểm yếu thực sự của dự án kinh doanh. Lời khuyên là hãy kinh doanh trong lĩnh vực bạn am hiểu và đam mê nhất. Ngoài ra, bạn cần phân tích cơ hội và thách thức từ các yếu tố bên ngoài tác động đến dự án kinh doanh.

6. Mô hình tổ chức kinh doanh

Chọn loại hình doanh nghiệp để đăng ký hoạt động theo Luật doanh nghiệp cũng như các yêu cầu pháp lý của ngành nghề hoạt động như điều kiện về vốn, điều kiện về chứng chỉ hành nghề…

7. Kế hoạch vận hành sản xuất

Đây là bước xác định sản phẩm/dịch vụ của bạn được sản xuất như thế nào bao gồm máy móc thiết bị, quy trình sản xuất sản phẩm, năng lực sản xuất… Trường hợp vượt quá khả năng sản xuất thì kế hoạch thuê ngoài sản xuất hay mua ngoài như thế nào?

8. Kế hoạch nhân sự

Cơ chế kiểm soát sự vận hành công việc kinh doanh của bạn bao gồm đội ngũ quản lý, nhân viên và những kỷ năng và trình độ của họ. Kế hoạch đào tạo và phát triển nhân viên và các cấp quản lý. Sự phân công công việc và phân quyền rõ ràng giữa các bộ phận.  Đặc biệt, bạn phải xác định đội ngũ ban cố vấn khi gặp các vấn đề khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh.

9. Kế hoạch tài chính

Nguồn tài chính nào để tài trợ cho kế hoạch kinh doanh như nguồn vốn vay, vốn của chủ sở hữu và các nguồn tài chính đó sẽ được sử dụng như thế nào. Kế hoạch tài chính là quan trọng nhất quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.

Dựa trên những số liệu từ nghiên cứu thị trường, bạn sẽ phải tiên đoán trong 5 năm đầu các dòng tiền sẽ như thế nào, lúc nào sẽ cân bằng thu chi, lúc nào sẽ hoàn vốn, sự luân chuyển của đồng vốn như thế nào.

10. Các kịch bản dự phòng

Dù kế hoạch kinh doanh của bạn có hoàn hảo đến đâu thì cũng có khả năng sẽ không như  mục tiêu đã đề ra ban đầu. Bởi vì “Thất bại là chuyện thường tình của kinh doanh”.  Đây chính là bước bạn đưa ra các tình huống bất lợi cho dự án để có phương án điều chỉnh phù hợp.

Một kế hoạch kinh doanh tốt như là bản đồ đi đến sự thành công trong việc biến ý tưởng kinh doanh ban đầu trở thành hiện thực. Nó cũng giúp cho cho bạn duy trì chiến lược tập trung cho các giai đoạn phát triển.

File template kế hoạch kinh doanh: http://www.mediafire.com/view/w4bx9z9ed9p23rl/Business_Plan_Template.pdf

Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest
Scroll to Top