Nhiều nhà lãnh đạo bảo: “Chúng ta không sợ thất bại; chúng ta phải dám nghĩ, dám làm, vừa làm, vừa sửa; sai đâu, sửa đó…”. Và tôi thường thêm vào cho đủ bộ: SAI ĐÂU, SỬA ĐÓ; SAI ĐÓ, SỬA ĐÂU? SỬA ĐÂU, SAI ĐÓ!
Ai nói “thất bại là mẹ thành công”? Tôi không nghĩ vậy! Thất bại không đẻ ra thành công đâu; chẳng những thế, nó còn có thể giết chết thành công nữa đấy!
Thành công không được đẻ ra từ thất bại! Thành công được đẻ ra từ khả năng “đánh hơi” và nhận diện thất bại (để mà tránh xa nó)! Tương tự, khả năng nhận biết và tránh xa cạm bẫy mới là mẹ của thành công (vì nó giúp tạo ra thành công); còn việc bị dính bẫy (hay bản thân cái bẫy) chính là kẻ thù của thành công, nó có thể giết chết thành công!
Tất nhiên, rèn luyện khả năng nhận diện và tránh xa cạm bẫy không có nghĩa là ta sẽ không dám vào rừng; nó chỉ có nghĩa là ta sẽ vào rừng với trang bị và tâm thế thận trọng cần thiết để hạn chế bị dính bẫy. Càng ít bị dính bẫy, khả năng thành công càng cao!
Có bạn bảo doanh nhân phải “dám nghĩ, dám làm”. Đúng vậy, dám nghĩ, dám làm là tố chất cần thiết của doanh nhân. Nhưng dám làm khác với làm liều! Không cần phải tự mình thất bại rồi mới thức tỉnh. Có thể thức tỉnh từ thất bại của người khác.
Thất bại không là điều bắt buộc để có thành công. Thất bại chỉ là cục đá trên đường, là ổ gà, ổ voi… ; nó cản trở ta đến thành công. Nếu không tránh được, ta buộc phải đi qua; nếu tránh được, ta phải tránh ngay; đừng vì ý nghĩ nó là “mẹ” của thành công nên ta cứ nhắm mắt chấp nhận nó. Thất bại là kẻ thù của thành công mới đúng! Chẳng qua là trên đường đi ta đi, kẻ thù luôn hiện diện, nên ta đành phải chịu thôi, chứ không nên xem nó là bạn (chứ đừng nói là mẹ) của sự thành công của mình!
Mặt khác, con đường thành công của mỗi người thường rất khác nhau; nhưng con đường dẫn đến thất bại thì khá giống nhau. Vì vậy, không dễ để học được thành công (nếu dễ, ai cũng thành đại gia), nhưng có thể học từ thất bại của người khác để biết cách mà tránh nó.
Anh Nguyễn Hữu Long
Group Phát triển Doanh Nghiệp Việt