Làm bạn cùng con thời “hại điện”!

Ngày nay trẻ em dễ dàng vô tình được “giáo dục” bởi internet, ti vi, phim ảnh,… nhiều hơn là cha mẹ. Thế giới bao la ấy là chiếc cầu nối đầu tiên giúp trẻ dễ dàng phát triển trong bối cảnh hội nhập.

Tuy nhiên, chúng không hẳn chỉ chứa đựng những điều bổ ích vấn đề mà không phải bậc phụ huynh nào cũng ý thức được. Hiểu được điều này mô hình hoạt động ngoại khóa mang tên “Làm bạn cùng con thời hội nhập” ở các trường tiểu học đã ra đời nhằm mang đến những giải pháp kịp thời cho nhiều bậc phụ huynh.

Đồng hành để thấu hiểu

“Làm bạn cùng con thời hội nhập” là buổi hội thảo vừa được tổ chức tại Trường Song ngữ Quốc tế Wellspring Saigon. Với sự dẫn dắt của Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bích Hồng – Trưởng khoa Tâm lý Đại học Sư phạm TPHCM, các bậc phụ huynh đã được cung cấp phương thức ứng phó với những biến đổi về suy nghĩ, tình cảm, giúp con giải quyết những ngộ nhận về lối sống trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay với nhiều trào lưu, hiện tượng, cám dỗ… Theo Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bích Hồng, nhiều bậc phụ huynh vì lo ngại trẻ bị nghiệm game, xao nhãng việc học mà cách ly hoàn toàn trẻ với tivi, internet. Tuy nhiên, việc “cách ly” này cũng đồng thời loại bỏ những tác động tích cực trong việc học tập và giải trí. Một đứa trẻ có thể học được rất nhiều thứ từ thế giới xung quanh qua các chương trình truyền hình, có thể khai thác tài nguyên kiến thức vô tận cho việc học từ internet. Đó là chưa kể việc ngăn cấm có thể dẫn đến việc lén lút sử dụng mà không có sự theo dõi, hướng dẫn từ người lớn trong khi phim ảnh, internet vẫn là một thế giới chứa đựng nhiều thứ dễ bị cám dỗ nhưng lại khó kiểm soát. Do đó thay vì ngăn cấm các bậc cha mẹ nên đóng vai trò là người hướng dẫn, gợi ý những thứ nên xem thậm chí có thể cùng tham gia với trẻ.

Việc nuôi dạy con trong xã hội hiện đại không nên chỉ được thực hiện hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm và quan niệm bản thân mà cần có những cơ sở khoa học và cập nhật theo tốc độ phát triển của xã hội. Do đó các chương trình gặp gỡ, trao đổi giữa chuyên gia và phụ huynh luôn là một hoạt động ý nghĩa, cung cấp những kiến thức, hỗ trợ xử lý những rắc rối, thậm chí thay đổi lối suy nghĩ về phương pháp dạy con của một số bậc phụ huynh. Hoạt động ngoại khóa này đang là mô hình được thực hiện rộng rãi tại các trường như Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường Tây Úc, Trường Nguyễn Siêu… với sự hỗ trợ của các công ty đào tạo, tư vấn giáo dục.

Gắn kết gia đình và nhà trường

Không chỉ có tác dụng cung cấp phương pháp giáo dục trẻ cho các bậc phụ huynh, ở mỗi chương trình “Làm bạn cùng con” bên cạnh phần trao đổi với chuyên gia chương trình còn có nhiều hoạt động tương tác với phụ huynh và các bé. Thường thì đó sẽ là những hoạt động tập thể kích thích sự tương tác, gắn kết gia đình, kiểm tra về độ hiểu nhau giữa các thành viên trong gia đình. Hoặc cùng có thể là những phút giây lắng đọng bằng phương pháp tâm lý chuyên môn, tất cả các thành viên của chương trình sẽ cùng nhắm mắt lại, gợi nhớ về những khoảnh khắc đẹp của gia đình mình, những sai lầm, những lần con cái hoặc cả cha mẹ mắc lỗi. Và sau cùng là những giọt nước mắt, những lời cám ơn, xin lỗi thật chân thành. Chị Ngô Thùy Dương (quận 3) từng tham gia hoạt động “Làm bạn cùng con” tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết: “Ban đầu đến với hội thảo tôi rất ngỡ ngàng vì lâu nay chủ quan quá, không dành nhiều thời gian cho con và không hiểu con nhiều. Chương trình đã thay đổi suy nghĩ của tôi rất nhiều, sau chương trình tôi đã tìm hiểu nhiều hơn các phương pháp về giáo dục để phát triển cảm xúc tư duy của con”.

Giáo dục vẫn là một hoạt động mang tính xã hội cao. Do đó muốn thực hiện được việc giáo dục toàn diện cần phải coi trọng cả giáo dục nhà trường lẫn giáo dục gia đình và xã hội. Lâu nay chúng ta vẫn nhắc nhiều đến việc gia đình và xã hội đổ lỗi cho nhau trước những vấn nạn của giới trẻ. Nhiều gia đình khoán hết trách nhiệm vào nhà trường, với lý do thời gian chủ yếu của trẻ vẫn luôn là hoạt động học tập ở trường. Trong khi đó với số lượng học sinh và số môn học dày đặc nhà trường chỉ có thể phát huy hết khả năng của mình trong việc đào tạo kiến thức so với hoạt động rèn luyện nhân cách cho mỗi cá nhân. “Làm bạn cùng con” là một trong những mô hình mang ý nghĩ nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ nét nhất việc giáo dục một con người trong bối cảnh hiện đại không nên tách bạch vai trò, trách nhiệm của riêng ai. Cả gia đình, nhà trường và xã hội nếu ý thức được trách nhiệm và phạm vi của mình để luôn đồng hành, gắn kết chặt chẽ,  hỗ trợ lẫn nhau thì sẽ phát huy được tác dụng tạo nên một con người đầy đủ tri thức và nhân cách sống lành mạnh.

Như Ý
Theo SGGP Online

Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest
Scroll to Top