Giá trị sống

Giá trị sống thì lúc nào cũng tồn tại trong đời sống con người, nhưng trong bối cảnh khủng hoảng, người ta nghĩ đến nó nhiều hơn, sâu sắc hơn.

Đỗ Duy Thái, tổng giám đốc công ty Thép Việt: Giờ là lúc dừng lại thiết lập giá trị tinh thần, tạo môi trường hạnh phúc

Trong mấy chục năm qua, những nhà công nghiệp như tôi chỉ có “chạy”, chạy với tốc độ rất cao, thậm chí nhìn thấy rất nhiều sai sót nhưng không có thời gian dừng lại để sửa. Mà nguyên tắc quản trị là phải đi bộ tốt trước khi chạy. Nếu chỉ chạy theo sự phát triển mà không mang lại giá trị tinh thần thì đơn vị mình sẽ nhỏ mãi, hoặc đổ vỡ, khủng hoảng. Những giá trị tinh thần chính là nền tảng để có thể phát triển cao hơn.

Nhà công nghiệp phải nghĩ đến 20 – 30 năm sau công ty mình sẽ đi về đâu. Tư duy khoa học là nền tảng giải quyết khủng hoảng. Lâu nay mải lao theo công việc kinh doanh, trách nhiệm với sự phát triển không cho phép mình dừng lại, không kịp làm bất cứ điều gì, thậm chí bỏ bê cả gia đình. Giờ là lúc dừng lại, tìm mọi cách để thiết lập giá trị tinh thần cho anh em, tạo môi trường hạnh phúc cho hơn 4.000 thành viên của mình, để mỗi người có thể mang lại những giá trị gia tăng dù là nhỏ bé cho công ty. Như thế cũng là quý lắm rồi.

Nhìn rộng ra xã hội, tôi thấy rất khó để nhân tài thực sự được sống trong một “môi trường viên mãn” khi mà giá trị vật chất đang lên ngôi như hiện nay. Xã hội không lành mạnh, không minh bạch, nạn tham nhũng tràn lan, các tập đoàn nhà nước làm ăn không hiệu quả, dẫn đến lạm phát tăng cao… đó chính là những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển. Nhìn tương lai gần, khoảng năm năm nữa, tôi chưa thấy có dấu hiệu tốt cho nền kinh tế Việt Nam. Con đường phía trước còn nhiều khó khăn, đòi hỏi mỗi chúng ta phải có một quyết tâm cao.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, phó hiệu trưởng đại học Kinh tế – luật TP.HCM: Coi tất cả những gì mình có là niềm vui.

Trong bối cảnh khủng hoảng, điều tối hậu mà con người phải giữ để không bị ném vào vòng xoáy là không gian chia sẻ giữa những người thân yêu, không hẳn chỉ là gia đình. Bạn bè tôi ở các nước châu Âu kể rằng, cách để họ vượt qua khủng hoảng là mỗi buổi chiều về được gặp người bạn gái, bạn trai của mình trong căn hộ chưa bị cắt bởi tiền thuê nhà, đó là thành luỹ cuối cùng khi tất cả đều mất hết. Trong phong ba, còn lại một nơi để buổi chiều có thể trở về, có người mở cửa đón chờ trong không gian ấm cúng là điều quý giá nhất. Điều kinh khủng nhất với họ là trở về căn hộ một mình, có người đã tự tử vì không thể chịu nổi nỗi buồn, sự cô độc. Nhiều người Nhật đi làm về là chạy thẳng đến bệnh viện… Những biến động trong tổ chức gia đình của các nước là điều mà chúng ta phải tìm hiểu.
Tôi có một triết lý sống rất đơn giản: coi tất cả những gì mình đang có, chuẩn bị có đều là niềm vui. Ngay cả nỗi khổ về kinh tế, về tình bạn, tình yêu, con cái, công việc… cũng là may mắn với riêng mình. Suy cho cùng, tất cả đều là ân huệ của cuộc sống. Cái mà mình nên tránh, không nên sử dụng khi sống là từ “đương đầu”. Không có gì phải đối chọi, phải ai là kẻ thù cả. Hãy trải qua tất cả vui buồn, hạnh phúc, đau khổ, để được làm người. Mọi trạng thái của cảm xúc đều trân trọng, và coi đó là một dấu hiệu tích cực. Nghĩ như thế thì phần thưởng hay sự trừng phạt đều có giá trị. Tiếng khóc hay nụ cười cũng đều là lối sống tích cực, và khủng hoảng chỉ là một màu khác của không gian sống mà thôi.

TS Nguyễn Thắng, tổng giám đốc công ty Herbalife Việt Nam: Cần thay đổi quan niệm về đồng tiền

Theo quan sát của những nhà kinh tế, nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng từ cấp độ quốc gia, doanh nghiệp đều được cảnh báo trước. Nhìn từ góc độ tích cực, khủng hoảng thực sự là cơ hội, là áp lực khiến doanh nghiệp và quốc gia phải thay đổi, vì không còn cách nào khác. Khủng hoảng luôn có thể xảy ra, nhưng nếu ở thế chủ động, có những biện pháp phòng ngừa, sẽ hạn chế bớt thiệt hại, không dẫn đến đổ vỡ đau thương. Điều cần nhất để vượt qua khúc quanh này là sự chuẩn bị về tinh thần. Sức chịu đựng, sức bền là một giá trị của con người, để tồn tại và sống sót. Trong khủng hoảng, mỗi người có thời gian để tĩnh lặng, nhìn lại những gì đã trải qua, để suy nghĩ về tương lai, sống cho gia đình, bản thân nhiều hơn. Biết chăm lo cho sức khoẻ, chơi thể thao nhiều hơn, chăm sóc cho dinh dưỡng của chính mình… đó là chất đề kháng để ứng phó tốt hơn trong khủng hoảng.

Nhà văn Nguyễn Khải từng nói: “Bây giờ mình bị đồng tiền trả thù, vì ngày xưa mình quá khinh ghét nó”. Sự trả thù của đồng tiền thể hiện trên nhiều khía cạnh. Rõ nhất là sự dịch chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Ngày xưa chúng ta coi thường đồng tiền, giờ thì một bộ phận không nhỏ của xã hội lại coi trọng đồng tiền hơn bất cứ cái gì khác. Đánh giá sự thành đạt cũng lấy đồng tiền làm thước đo, mà không dựa trên sự cống hiến cho xã hội. Với nhà giáo, thước đo sự thành đạt phải là số lượng học trò giỏi. Với nhà nghiên cứu là chất lượng công trình, với nhà văn là tác phẩm… Không thể đánh giá sự thành đạt của người bác sĩ qua thu nhập, hay xe hơi, cái nhà. Phải thay đổi quan niệm về đồng tiền, để thay đổi tư duy, thay đổi các mối quan hệ, cho cuộc sống cân bằng hơn.

Ông Giản Tư Trung, viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED): Khi có một lý do đẹp để sống, sẽ vượt qua mọi khủng hoảng

Giá trị sống thì lúc nào cũng tồn tại trong đời sống con người, nhưng trong bối cảnh khủng hoảng, người ta nghĩ đến nó nhiều hơn, sâu sắc hơn. Nguồn gốc cơ bản của mọi khủng hoảng đều bắt nguồn từ những giá trị ảo, giá trị giả. Nền kinh tế Việt Nam trong mấy năm gần đây chạy theo những giá trị giả và ảo, cần phải định lại những giá trị chuẩn mực chung nhất cho dân tộc, gia đình, cá nhân.

Ở các nước phương Tây, khủng hoảng xảy ra đã khiến nhiều gia đình tan vỡ, người ta đến nhà thờ ngày một nhiều hơn. Trong thời buổi Đông Tây giao hoà, sự giao thoa về các giá trị đang xung đột mạnh mẽ, mỗi người chúng ta phải biết cô đặc những giá trị vượt không gian và thời gian mà tổ tiên để lại cho mình, và biết tiếp thu một cách chọn lọc những giá trị từ bên ngoài, để không bị chao đảo. Khi chúng ta có một lý do đẹp để sống, sẽ có đủ sức mạnh để vượt qua mọi khủng hoảng của cuộc đời. Biết sống chính là động lực tạo ra năng lực, nếu không, chúng ta sẽ chết trước khi qua đời.

Theo SGTT (03-01/2012)

Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest
Lên đầu trang