Cử nhân kinh tế: Làm gì để không thất nghiệp?

Tôi muốn giới thiệu đến các bạn và các em sinh viên loạt bài viết của anh Nguyễn Tuấn Quỳnh – một cựu sinh viên của ĐH Kinh Tế TPHCM. Một người anh cùng trường trước tôi 12 khóa mà tôi rất ngưỡng mộ và luôn dõi theo các chia sẻ bổ ích của anh. Dưới đây là loạt bài viết của anh trên báo tuổi trẻ online:

Báo chí đang đề cập việc cử nhân kinh tế không giỏi sẽ bị thất nghiệp khi nhóm ngành kinh tế đang được đào tạo vượt gấp đôi quy hoạch. Là một cựu sinh viên kinh tế ra trường cách đây 20 năm, tôi rất quan tâm đến vấn đề này.

Ở góc độ là một doanh nhân có tham gia việc tuyển dụng, tôi vẫn thấy các doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi tìm kiếm những ứng viên có năng lực cho các vị trí liên quan đến kinh doanh, tiếp thị, tài chính, kế toán…, tức thị trường vẫn đang có nhu cầu lớn về cử nhân kinh tế.

Ở đây tôi chưa đề cập đến trách nhiệm của nhà trường mà chỉ tập trung vào đối tượng là sinh viên. Vậy làm thế nào để các cử nhân kinh tế không thất nghiệp?

Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh trao đổi với các tân sinh viên K39 ĐH Kinh Tế TP.HCM
Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh trao đổi với các tân sinh viên K39 ĐH Kinh Tế TP.HCM

KIẾN THỨC LUÔN LÀ VŨ KHÍ SẮC BÉN

Cả bữa ăn sẽ hỏng nếu món chính dở tệ!

Trong một bữa ăn, món khai vị hay tráng miệng có thể dở nhưng các món chính phải ngon. Người ta đánh giá bữa ăn dựa vào các món chính. Là sinh viên kinh tế cũng thế, có thể bạn dở một số môn nhưng nếu các môn chuyên ngành của bạn không “ngon”, có nguy cơ bạn sẽ làm hỏng cả “bữa ăn” là nghề nghiệp tương lai của mình. Vì sao?

Tôi không đồng ý với kiểu suy nghĩ coi thường các kiến thức chuyên môn và điểm số các môn chuyên ngành ở đại học. Thứ nhất, theo tôi, các giáo trình kinh tế ở đại học bây giờ được cập nhật khá tốt, sát sườn với thực tế và bối cảnh kinh tế. Thứ hai, về sau khi bạn nộp đơn xin việc, nhà tuyển dụng sẽ nhìn trước tiên vào điểm số các môn chuyên ngành của bạn và phần lớn đánh giá của họ dựa vào đó. Bạn có nguy cơ bị loại nếu điểm số các môn chuyên ngành không gây được ấn tượng đầu tiên. Thứ ba, không tập trung học giỏi chuyên môn, bạn thể hiện một thái độ thiếu tôn trọng đối với con đường nghề nghiệp mình sẽ chọn.

Nhưng làm sao để giỏi các môn chuyên ngành? Chỉ có một cách chung nhất  là học và hành. Về học, bạn cần nắm kiến thức thật kỹ, tìm đọc các tài liệu liên quan chuyên ngành, đối chiếu với thực tế cuộc sống và theo sát tình hình lĩnh vực mình để nắm sâu hơn. Về hành, bạn cần tập vận dụng hiểu biết của mình để thử đánh giá các hoạt động đang diễn ra trong lĩnh vực chuyên ngành.

Thí dụ: học marketing, ngoài đọc tài liệu bạn hãy chịu khó theo dõi và tập đánh giá các xu hướng và hoạt động marketing hiện đang nổi trội, đưa ra ý kiến trên các diễn đàn liên quan hoặc phân tích báo cáo tài chính các công ty niêm yết, gửi bản phân tích cho kế toán tài chính của công ty đó để chia sẻ nhận định đánh giá của mình.

Ngoài ra, khi đi làm thêm, tốt nhất là bạn nên chọn những việc liên quan đến định hướng nghề nghiệp tương lai. Thời còn đi học tôi làm nhiều việc liên quan đến kinh doanh, trong đó có việc kinh doanh bản tin tiếng Anh: tôi in và photo các tin tức lấy từ VOA hay BBC, đến các giảng đường đại học bán với giá 2.000 đồng/bản. Việc làm nhỏ nhưng tôi học được nhiều kinh nghiệm thực tế cho chuyên ngành của mình. Về sau khi ra trường, tôi giao lại cho một số bạn tiếp tục việc kinh doanh này, và có anh bạn đã nhờ bán tài liệu như vậy mà đủ tiền học tiếp lên cao học.

Dở tiếng Anh hay tin học: Ra trận mà không mang theo vũ khí

Có một kết luận thống kê: những người dùng tiếng Anh lưu loát thu nhập cao hơn 30% so với những người khác!

Ngày trước, tiếng Anh và tin học giống như thứ trang phục thời thượng chỉ dành cho một số người nhưng nay tình hình đã khác, tiếng Anh và tin học đã trở thành “áo quần” phổ thông. Thiếu chúng, bạn giống như ra trận mà không mang theo vũ khí. Hay nói cách khác, thời này mà dở tiếng Anh và tin học xem như bạn chưa ra trận mà đã thua.

Tiếng Anh mang đến cho bạn rất nhiều cơ hội trong nghề nghiệp của mình, nhất là nghề kinh doanh. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, với thứ tiếng Anh bập bẹ làm sao bạn làm ăn được với các đối tác nước ngoài ngày càng nhiều? Thật ra bạn có thể không quá giỏi về chuyên môn nhưng tiếng Anh là thứ giúp bạn che lấp được khuyết điểm đó. Tôi có anh bạn ngày xưa học không giỏi, nói chung là trung bình, nhưng được cái là chịu khó mở miệng nói chuyện tiếng Anh với thầy, nói riết nên thạo. Và vì giỏi tiếng Anh nên anh có nhiều cơ hội, bây giờ đang là giám đốc marketing cho một tập đoàn đa quốc gia trụ sở tại Bangkok, Thái Lan.

Rồi tin học cũng thế. Không làm nổi những slide thuyết trình bài bản, thẩm mỹ, làm sao thuyết phục được khách hàng? Không giỏi excel làm sao phục vụ được các hoạt động đặc thù của kinh doanh? Không thạo các chức năng email làm sao xử lý tốt công việc?… Nói chung, tin học là thứ công cụ bắt buộc phải dùng để làm tốt việc kinh doanh.

Thiếu kiến thức tổng quát: Đang chạy trên một chiếc xe xẹp lốp

Có thể kiến thức chuyên ngành bạn tốt, tiếng Anh và tin học bạn giỏi, nhưng không nắm vững kiến thức tổng quát và tình hình kinh tế – xã hội với những đổi thay từng ngày thì giống như bạn đi trên chiếc xe có động cơ tốt, xăng nhớt đầy đủ nhưng vỏ xe lại xẹp. Có đi được chiếc xe cũng tiến rất chậm và có nguy cơ không đi được lâu.

Bạn đừng nghĩ mình học ngành nào thì ra trường sẽ làm đúng ngành đó. Vì vậy, kiến thức chuyên ngành chưa đủ, bạn phải có kiến thức tổng quát để khi đổi việc – là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra -không phải trở về con số không.

Khi còn là một sinh viên, chuyên ngành của tôi là quản trị kinh doanh và tôi rất ghét môn kế toán. Lúc đó tôi nghĩ không bao giờ mình làm công việc kế toán. Vậy mà sau này trong con đường nghề nghiệp tôi đã làm tất cả các công việc, kể cả kế toán. Tôi bắt đầu là nhân viên xuất nhập khẩu, rồi chuyên viên thanh toán quốc tế, sau đó là kế toán viên phụ trách tài khoản thanh toán cho người bán và kế toán chi nhánh. Các công việc tiếp theo lần lượt là trợ lý tổng giám đốc, phó phòng kinh doanh gas, giám đốc tiếp thị, phó tổng giám đốc, giám đốc đầu tư… Tức là tôi đã kinh qua gần như tất cả các công việc có liên quan đến ngành kinh tế chứ không chỉ là kinh doanh. Như vậy, để có thể làm tốt tất cả công việc này, đòi hỏi tôi phải cập nhật liên tục kiến thức kinh tế – xã hội chứ không chỉ là quản trị kinh doanh.

Rồi trong việc quan hệ làm ăn với đối tác nước ngoài, điều thường thấy là họ rất quan tâm đến tình hình kinh tế chính trị xã hội Việt Nam. Mù mờ kiến thức xã hội làm sao bạn nói chuyện với họ? Làm sao gây được ấn tượng khiến họ đánh giá cao hiểu biết của bạn để tiến đến việc bắt tay làm ăn?

Có lần anh bạn Thái Lan hỏi tôi: “Theo anh Quỳnh, Bác Hồ có bao nhiêu cái tên?”. Tất nhiên tôi kể được. Nhưng sau đó tôi bất ngờ vì anh ta đọc vanh vách một danh sách hơn 30 cái tên của Bác mà mình chưa biết hết. Chuyện nhỏ thôi nhưng tôi muốn nói rằng đôi khi những kiến thức tổng quát nho nhỏ như thế có thể giúp mình chứng minh mức độ hiểu biết tình hình và ghi được một “điểm” nào đó trong mắt các đối tác nước ngoài.

Hãy nhớ “bơm vỏ xe” bằng cách trang bị và tiếp thu không ngừng các kiến thức tổng quát và tình hình kinh tế – xã hội trong mọi lĩnh vực và phương diện đời sống. Có như thế, bạn mới vững vàng trên con đường sự nghiệp của mình.


Có kiến thức mà thiếu kỹ năng thì cũng giống như việc bạn biết nằm lòng mọi luật giao thông, nhưng lại không thể lái được chiếc xe ra đường: không biết lái hay lái không thạo, dễ gây tai nạn.

KỸ NĂNG LÀ “THẦY” KIẾN THỨC

Giỏi kiến thức mà dở kỹ năng: bạn sẽ không lái được chiếc xe sự nghiệp của mình đi đến đâu, thậm chí còn “lên bờ xuống ruộng” trong đường đời mình.

Trở thành người “ba đầu sáu tay”

Thời học đại học là quãng thời gian tôi tham gia rất nhiều thể loại hoạt động: đi học, đá banh, làm thêm, dạy kèm, hoạt động Đoàn, tham gia nghiên cứu khoa học, viết báo, sáng tác, đi chơi với bạn gái… Và điều đáng nói là tôi luôn tìm đủ thời gian để làm cả mớ việc như thế.

Ai cũng có 24 giờ một ngày. Và việc quản lý 24 giờ đó thế nào là một kỹ năng quan trọng, quyết định thành công trong học tập, trong cuộc sống hiện tại và tương lai của một sinh viên. Với nhiều bạn, cái thiếu không phải là thời gian mà là kỹ năng quản lý thời gian.

Đến bây giờ dù bận rộn trăm công nghìn việc, tôi vẫn chú ý rèn luyện kỹ thuật quản lý thời gian rất đơn giản. Tôi luôn lên kế hoạch cụ thể các việc cần làm trong ngày và phân loại thành các mục: việc phải làm ngay, việc sẽ làm và việc không bao giờ làm. Mỗi ngày tôi coi lại kế hoạch, đưa các việc sẽ làm đã ghi hôm qua vào danh sách làm ngay trong ngày, rồi ghi tiếp các việc sẽ làm cho ngày mai ngày kia; với các việc không bao giờ làm, tôi sẽ gạt bỏ khỏi danh sách để không nặng đầu và mất thời gian.

Đơn giản vậy thôi nhưng cứ làm đúng như vậy, bạn sẽ thấy mình luôn đủ thời gian để làm tốt mọi việc, giờ nào việc nấy. Và rồi bạn sẽ không cần phải ước mình có “ba đầu sáu tay” nữa.

Hoạt động xã hội có làm phí phạm thời gian không?

Với rất nhiều doanh nhân thành công tôi quen biết, phần lớn đều có “gốc” từ phong trào Đoàn thanh niên. Họ trưởng thành từ môi trường công tác Đoàn. Tôi cũng là một trong số đó. Thí dụ, ông Nguyễn Ngọc Hòa, chủ tịch HĐQT Saigon Coop, từng đi lên từ vai trò một bí thư Đoàn của Liên hiệp hợp tác xã. Hoặc gần đây nhất tổng giám đốc 31 tuổi của Công ty Bến Thành cũng là một người có “gốc” từ cán bộ đoàn.

Tôi muốn nói với bạn điều gì?

Rằng việc tham gia các hoạt động, phong trào xã hội ngay từ khi còn đi học là điều vô cùng cần thiết, giúp bạn có thêm cơ hội mở cánh cửa sự nghiệp tương lai của mình.

Vì sao? Vì chính khi tham gia các hoạt động đó, bạn có cơ hội trau giồi kiến thức, trải nghiệm kỹ năng, học hỏi được nhiều điều hay. Quan trọng nhất, môi trường hoạt động tập thể sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm làm thay đổi tận gốc rễ nhiều điều quan trọng trong cuộc sống mình: đó là môi trường tốt để “gọt bớt” cái tôi, hướng về người khác, biết cống hiến, hi sinh vì tập thể để tập tinh thần trách nhiệm, học và hành kỹ năng tổ chức, lãnh đạo đội nhóm… Tất cả đều cần thiết cho con đường sự nghiệp tương lai, đặc biệt là với những người chọn con đường kinh doanh.

Cá nhân tôi khi tuyển dụng nhân viên, tôi đều ưu tiên cho những ai từng tham gia phong trào Đoàn hoặc các hoạt động xã hội. Cũng thế, rất nhiều nhà tuyển dụng bây giờ ngoài để ý đến chuyên môn của bạn, họ còn muốn “săm soi” các hoạt động xã hội bạn từng hoặc đang tham gia. Họ muốn bạn có trải nghiệm cuộc sống. Họ biết rõ hoạt động xã hội sẽ góp phần nắn đúc và làm trưởng thành một con người thế nào. Và đó là điều họ cần nơi bạn.

Nếu coi hoạt động xã hội là việc gây lãng phí thời gian, bạn sẽ đánh mất nhiều cơ hội tốt đẹp để trải nghiệm, để trưởng thành, vun bồi những tố chất và kỹ năng thích hợp mà bước vào con đường tương lai sự nghiệp thênh thang của mình.

Đi làm thêm: chỉ để kiếm tiền?

Tôi muốn nói ngay điều này: đi làm thêm là việc mà mọi sinh viên, nhất là sinh viên kinh tế, nên coi trọng. Tất nhiên, đi làm thêm để có tiền là một lẽ, nhưng còn có một lẽ khác quan trọng hơn rất nhiều là mở cơ hội thành công trong sự nghiệp tương lai.

Nghĩa là không đi làm thêm, bạn tước mất nhiều cơ hội tốt đẹp đáng ra mình sẽ có để chuẩn bị cho nghề nghiệp sẽ theo đuổi. Và như thế có nghĩa là những việc bạn chọn làm thêm phải được cân nhắc kỹ càng, sao cho có liên quan đến ngành mình đang học, nằm trong lĩnh vực mình đang và sẽ theo đuổi trong sự nghiệp.

Nếu đang học kế toán, hãy chọn những việc làm thêm liên quan đến kế toán. Nếu đang học marketing, hãy tham gia làm việc trong các chiến dịch hay sự kiện marketing… Những việc làm thêm có liên quan như thế sẽ giúp bạn củng cố kiến thức, mài giũa kỹ năng, hiểu thêm về ngành nghề mình chọn, có kinh nghiệm đi xin việc và mai sau làm việc khỏi bỡ ngỡ. Hoặc ít nhất nhờ đi làm thêm như thế, bạn sẽ xác định được ngành nghề mình đang theo có thật sự phù hợp với mình hay không để còn phương án lựa chọn khác trước khi quá muộn.

Hồ sơ xin việc: chuẩn bị từ lúc nào?

Nếu muốn có một bộ hồ sơ xin việc “hoành tráng”, bạn phải làm cho nó “hoành tráng” ngay từ bây giờ, từ năm đầu tiên đại học. Đợi đến lúc cần xin việc mới chuẩn bị hồ sơ thì xem như bạn thất bại từ đầu. Tại sao?

Trong mọi hồ sơ xin việc có một phần nội dung quan trọng nhất mà mọi nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào để đánh giá: bằng chứng thể hiện kiến thức, kỹ năng, hoạt động khi bạn còn là sinh viên. Bằng chứng đó có thể là lời nhận xét của giáo viên, là tấm giấy xác nhận bạn đã học một khóa kỹ năng, đã tham gia một hoạt động xã hội. Bằng chứng đó là về thành tích học tập, nghiên cứu, hoạt động thể thao… Tất cả đều có giá trị đối với người tuyển dụng.

Đợi đến lúc ra trường bạn mới làm hồ sơ xin việc thì còn đâu thời gian để kịp chuẩn bị các bằng chứng nói lên bề dày trải nghiệm của bạn? Như vậy ngay từ bây giờ, bạn phải tích lũy các bằng chứng đó bằng cách chuẩn bị những thứ bạn có thể tự tin ghi vào hồ sơ xin việc của mình về sau.

Hãy chuẩn bị hồ sơ xin việc ngay từ lúc này!


CỬ NHÂN KINH TẾ BIẾT GÌ VỀ CHỈ SỐ AQ?

Trong ba điều hệ trọng quyết định thành công trong đời sống học tập và sự nghiệp tương lai – Kiến thức, Kỹ năng, và Thái độ sống – thì thái độ sống là yếu tố quan trọng nhất, giữ vai trò định hướng.

Vạn sự nhờ vào thái độ tích cực

Người ta đánh giá chỉ số IQ hay EQ không quan trọng bằng chỉ số AQ (chỉ số vượt khó). Vượt khó, đó chính là một thái độ sống tích cực. Như vậy, sự thông minh hay cảm xúc không quyết định sự thành bại trong cuộc đời bạn, mà chính là thái độ sống. Có thái độ tích cực, vạn sự sẽ thành. Mang thái độ tiêu cực, muôn sự sẽ bại.

Thái độ tích cực chính là những phản ứng, theo hướng tích cực và xây dựng, đối với mọi điều xảy ra trong suy nghĩ, cảm xúc, trong mọi hành động của người khác và trong mọi biến cố cuộc sống. Thái độ tích cực bao hàm ba phương diện liên quan: biết hướng lòng về người khác để yêu thương, hỗ trợ và giúp đỡ; biết nhìn ra những mặt tích cực nơi người, nơi đời; và biết sẵn lòng học hỏi từ người khác.

Thiếu thái độ tích cực, sinh viên khó lòng tạo lập được một nền tảng tốt để thành công trong học tập và tương lai sự nghiệp mình. Ngược lại, chính thái độ tích cực sẽ giúp sinh viên chuẩn bị tâm trí và con người mình thích hợp để tổ chức đời sống học tập và mọi phương diện khác thật tốt, để trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết làm hành trang cho sự nghiệp về sau.

Thái độ tích cực không những mang lại nhiều ích lợi lớn lao cho đời sống của mỗi cá nhân, mà còn có sức lan rộng, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người chung quanh.

Có chuyên nghiệp, chắc chắn sẽ tạo ra khác biệt

Với tôi, sự chuyên nghiệp nằm ở chỗ mình luôn biết làm công việc của mình vượt lên trên mọi mong đợi của người khác, thách thức được giới hạn bản thân mình.

Chẳng hạn, thời tôi học đại học, khi tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học Eureka, mỗi người sẽ thực hiện một đề tài dự thi. Riêng tôi, tôi thử  làm đến hai đề tài và cuối cùng, tôi đạt hai giải thưởng.

Các bạn sinh viên có thể tạo được cho mình một cách làm việc chuyên nghiệp ngay từ khi còn trên ghế giảng đường. Đừng làm mọi việc ở mức độ tối thiểu. Hãy làm mọi việc hết mình ở mức độ tối đa theo khả năng có thể. Đó là sự chuyên nghiệp tạo đà bật cho những bước tiến tương lai hướng đến thành công vững chắc trong sự nghiệp.

Cụ thể, trong việc học tập, thái độ chuyên nghiệp thể hiện ở chỗ: luôn cố gắng làm hết mức, thậm chí vượt cả những yêu cầu của giáo viên; trong các hoạt động nhóm hay dự án tập thể, hãy tập tính cam kết cao, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhất các đề tài hay nhiệm vụ mình làm.

Sự chuyên nghiệp ấy sẽ được thể hiện nơi kết quả học tập, nơi những thành tích hoạt động nhóm hay công tác xã hội, nơi các thành tích gặt hái được trong nhiều phương diện khác: thể thao, văn nghệ, nghiên cứu khoa học… Chính những gì tạo được nhờ thái độ chọn lựa theo đuổi sự chuyên nghiệp sẽ giúp bạn tạo ra được những khác biệt trong mọi khía cạnh đời sống. Và đó chính là những gì bạn có thể tự tin chia sẻ với các nhà tuyển dụng trong tương lai.

Quan hệ là bệ phóng thành công

Hãy tạo lập cho mình một thái độ tích cực hướng đến việc gầy dựng các mối quan hệ sâu rộng và tốt đẹp ngay từ khi còn trên ghế giảng đường. Các mối quan hệ không những là yếu tố được coi trọng nhất trong văn hóa Á Đông và Việt Nam, mà còn là điều kiện cần thiết giúp mỗi người có nền tảng vững chắc để tạo lập thành công.

Người ta đã chứng minh rằng cứ 100 người có công ăn việc làm, thì có đến 50 người tìm được việc làm nhờ các mối quan hệ. Nghĩa là, nếu có các mối quan hệ tốt từ bây giờ, bạn sẽ tăng khả năng tìm được công việc cho mình trong bước đường sự nghiệp mai sau.

Là sinh viên, bạn có nhiều mối quan hệ để xây dựng: với giảng viên, với các chuyên gia trong lĩnh vực bạn đang theo học, với các anh chị khóa trước, với các thành viên trong các phong trào đoàn nhóm, xã hội…

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh đến mối quan hệ với các bạn đại học. Đây là mối quan hệ có giá trị nhất, bền vững nhất. Bạn đại học là những người bạn thật sự thân thiết, không vụ lợi, sẵn sàng giúp đỡ nhau, hỗ trợ nhau mà không so bì tính toán. Theo đuổi và gầy dựng tốt các mối quan hệ này, là bạn đang tạo cho mình cơ hội để sau này được hỗ trợ rất nhiều trong con đường tìm kiếm công việc và tạo dựng sự nghiệp.

Hồi đi thực tập tốt nghiệp, tôi quyết định rủ thêm ba người bạn cùng đi với tôi. Xong thời gian thực tập, cả bốn người chúng tôi đều ở lại công ty đó làm việc. Đó là một thí dụ nhỏ để thấy rằng bạn học có thể giúp đỡ nhau thế nào. Hãy coi trọng điều này, và đừng nghĩ rằng đợi đến lúc ra trường, bạn mới loay hoay đi gầy dựng quan hệ.

Hãy mở rộng, kết nối và tạo ra nhiều mối quan hệ sâu rộng, vì đó là bệ phóng thành công cho bạn trong tương lai!

Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh

CEO Công ty CP Nhiên Liệu Sài Gòn (SFC)

Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ

(Theo Báo tuổi trẻ online, 02-02-2015)

Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest
Lên đầu trang