Đi tìm hạnh phúc

Ai trong chúng ta cũng đang đi tìm hạnh phúc. Vậy hạnh phúc là gì? Cách thức đi tìm hạnh phúc như thế nào? Cái giá phải trả khi đi tìm hạnh phúc?

Mỗi người một ước mơ riêng, mục đích riêng nên hạnh phúc cũng không ai giống ai. Có người vì chén cơm manh áo, hạnh phúc là khi họ có đủ cơm ăn áo mặc. Có người chỉ cần một người yêu họ thôi là họ hạnh phúc. Có người chỉ cần có một công ăn việc làm là hạnh phúc. Có những người khi sinh ra đã không có đủ đôi mắt để nhìn đời, họ ước gì có một con mắt thôi đã hạnh phúc. Có những người có đầy đủ tất cả chỉ cần các con nên người là hạnh phúc. Có người chỉ cần người vợ hoặc chồng biết chia sẻ với mình đã hạnh phúc rồi… Như vậy, cảm xúc hạnh phúc nó muôn hình vạn trạng, đi tìm hạnh phúc là cái rất trừu tượng, nó không có mẫu số chung.

Theo định nghĩa từ điển Việt Nam, hạnh phúc là thành tựu mọi ước mơ. Ai là người trong đời dám nói thành tựu được tất cả ước mơ?  Tôi đảm bảo không ai trong chúng ta có thể thành tựu được tất cả ước mơ. Thậm chí, ước mơ của chúng ta luôn thay đổi theo thời gian. Khi chúng ta đang đói thì ước mơ đủ ăn, có đủ ăn thì ước mơ giàu có…

Một người đi tìm hạnh phúc là tìm hoàn cảnh cuộc sống sao cho họ an lòng với điều đó. Những gì đạt được nguyện vọng của chúng ta thì chúng ta hạnh phúc. Những gì mang đến bất an, thất bại thì chúng ta cho đó là khổ đau. Và mỗi người đi tìm hạnh phúc ở một gốc độ khác nhau. Có những người vì quá tham vọng nên họ luôn trong cảm giác bất an và bất hạnh. Trong khi những hoàn cảnh họ đã có, người khác nằm mơ cũng không được. Như vậy, họ tự làm khổ mình bằng tưởng tượng phi thực tế.

Trong một quyển sách có viết “Không có con đường nào để hạnh phúc và chính hạnh phúc là con đường”. Chúng ta nên hài lòng với những gì mình đang có và khi đạt được cái gì thì hạnh phúc cái đó. Hãy hạnh phúc để thành công chứ đừng chờ đến khi thành công mới cảm thấy hạnh phúc.

Theo lời dạy của Đức Phật, hạnh phúc của những người giải thoát là mang theo sự tự do và biểu hiện tự do, hạnh phúc của những người chưa giải thoát là mang theo sự ràng buộc. Chúng ta có cái gì là hạnh phúc cái đó, nhưng luôn mang theo sự ràng buộc chính cái đó.

Trong văn thơ về tình yêu có nói “Một túp lều tranh hai quả tim vàng”. Những người đang yêu luôn tưởng tượng chỉ cần như vậy là hạnh phúc. Thực tế chúng ta cần phải có cái ăn cái mặc và nhiều nhu cầu khác nữa, chứ không phải “cạp đất mà ăn”. Nhớ lại, Ngọc Trinh từng phát biểu về “nghèo cạp đất mà ăn” cũng có cái thực tế trong suy nghĩ của cô ấy.

Chúng ta thường suy nghĩ theo cách thức “Đứng núi này trông núi nọ” hoặc Cỏ bên nhà hàng sớm luôn xanh hơn cỏ của vườn nhà mình. Mỗi người đều có những hoàn cảnh khác nhau và luôn có những ràng buộc tối thiểu khác nhau trong cuộc đời. Hãy xem cái ràng buộc như là cái giá phải trả trên con đường chúng ta đi tìm hạnh phúc. Đôi khi, cái ràng buộc chính lại là sự an toàn cho chúng ta. Vì vậy, hãy hài lòng với những gì mình đang có, đừng ảo tưởng vượt quá tấm tay và đừng quá tham vọng với những gì người khác đang có. Được như vậy, hạnh phúc luôn nằm trong tầm tay của chúng ta và con đường đi tìm hạnh phúc của mỗi người sẽ trả cái giá rất hời!

Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest
Scroll to Top