“Hãy theo đuổi đam mê,
thành công sẽ theo đuổi bạn.”
Một thời gian dài câu nói này rất được ưa chuộng trên các trang mạng, khắp các diễn đàn cùng nhau phân tích. Nhưng nói thì dễ vậy, nhưng làm lại là một chuyện khác.
Vừa ra trường, hàng trăm mối lo rơi vào đầu: nào thì tỉ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng, nào thì cạnh tranh lao động, cơm áo gạo tiền bao vây tứ bề khiến đầu óc chẳng còn biết làm gì cho phải. Tìm việc đã khó, bạn bè xung quanh đứa nào đứa nấy phỏng vấn hết công ty này đến tập đoàn khác, ồ ạt lao vào vòng xoáy công danh sự nghiệp, nhìn mà sốt ruột khủng khiếp. Giờ mà tìm không được việc thể nào cũng mang tiếng vô dụng với các cụ ở nhà, rồi thì hàng xóm cứ đôi ngày lại sang hỏi han “Con bé ấy nay ra trường làm ở đâu rồi? Lương lậu thế nào?”
Đấy, ai mà không sốt ruột. Đam mê thì có, nhưng chẳng phải đam mê nào cũng kiếm ra nhiều tiền. Giả như thích làm kỹ sư, bác sĩ hay doanh nhân thì tốt quá rồi, vừa theo đuổi đam mê vừa “củng cố” tài chính, cha mẹ ở nhà thế nào chẳng ủng hộ. Còn như mê viết lách, vẽ vời, múa hát,…có phải ai cũng đủ giỏi để làm họa sĩ, nhà văn cả đâu. Cực chẳng đã lại còn chịu dè biểu tứ bề, cha mẹ 10 người cũng hết 9 người phản đối, nào có muốn con cái mình đi theo ba cái nghề bấp bênh này? Đến đây thì xong, tạm biệt đam mê, em đi kiếm tiền vậy.
Tiếp theo sau đó thì mọi người cũng biết rồi, nhân vật chính sẽ sống cuộc đời nhàm chán với một công việc nhàm chán, trói mình vào vòng xoáy tiền bạc, và hết.
Có phải mọi giấc mơ đều kết thúc như vậy?
Câu trả lời là không.
Đồng ý rằng theo đuổi đam mê là rất khó. Khó, nhưng không có nghĩa là không thể. Vậy chúng ta vẫn còn thiếu điều gì để có thể “chiến đấu” cho giấc mơ của mình?
1. Đừng đổ lỗi
Đừng đổ lỗi cho việc nhà bạn không đủ khá giả để chu cấp cho đam mê của bạn, rằng ba mẹ bạn không sẵn lòng hy sinh thêm chục năm nữa để chờ bạn tự đứng vững trên đôi chân của mình. Hãy tự nuôi dưỡng đam mê của mình, đừng dựa dẫm hay trông chờ vào bất cứ ai. Cuộc sống của bạn là do chính bạn quyết định.
2. Đừng tự giới hạn những ước mơ của mình vào một khuôn khổ nhất định.
Thích viết lách đâu hẳn phải làm nhà văn, yêu vẽ vời đâu nhất thiết phải làm họa sĩ? Hãy cho bản thân mình cơ hội để thử. Hãy thử tất cả những lĩnh vực mình có thể! Biết đâu rằng đâu đó ngoài kia chính là thành công đang chờ đợi bấy lâu, nhưng bạn cứ mãi tự trói mình bằng sự ngần ngại mà không chạm đến được?
3. Đừng vội nản
Theo đuổi đam mê đã chẳng dễ dàng, thành công với đam mê của mình lại càng nhiều chông gai.Nhưng đừng vì vậy mà vội nản lòng. Đừng vừa thấy đôi ba lần thất bại đã nghĩ mình bất tài, hay con đường mình chọn sao mà khó quá, vô vọng quá. Hãy nhớ, thành công chỉ đến với những kẻ kiên trì.
4. Hãy biết dung hòa
Đâu phải lúc nào “ước mơ” là một lựa chọn hão huyền, và “thu nhập cao” luôn đồng nghĩa với một dấu chấm hết cho mọi đam mê đúng không nào? Đôi khi, việc quá tuyệt đối về việc bản thân sẽ chọn một hướng đi nào trong tương lai chính là áp lực vô hình cho chính bạn. Tại sao không kiên trì tìm một công việc theo đúng đam mê? Trường hợp không thể, bạn vẫn có thể nuôi dưỡng đam mê của mình như một sở thích: mỗi ngày đặt một việc gạch cho giấc mơ của mình, ai dám nói chúng sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực nào?
Đôi khi trong cuộc sống, những lựa chọn đặt ra không phải để chúng ta học cách từ bỏ. Quan trọng là khi đứng trước những lựa chọn này, bạn có đủ sáng suốt và vững vàng để tìm cho mình một con đường đúng đắn hay không. Hãy nhớ, cuộc sống luôn là một điều kì diệu, đừng từ bỏ và chọn cho mình một cuộc sống nhàm chán.