Trong hơn 20 năm đi làm, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu lần cảnh sếp mạt sát và chửi nhân viên ngu! Chuyện này, không chỉ diễn ra ở nhóm quản lý cấp trung với nhân viên dưới quyền mà cả ở cấp Tổng Giám Đốc chê trách và mạt sát Phó TGĐ, đôi lần trước mặt nhân viên.
Có lần, tôi đi công tác nước ngoài khoảng 1 tuần với một CEO trẻ. Suốt 7 ngày, bạn CEO ôm điện thoại để điều hành công việc ở nhà và quát mắng nhân viên inh ỏi. Tôi nhìn ái ngại thì bạn phân bua: Lính em phải quát như vậy, chúng nó mới chịu làm. Chúng nó ngu lắm anh ạ!
Thường thì, sau đó, sếp đổ lỗi do tính tình nóng nảy. Nhân viên thì tự an ủi, sếp chửi xong rồi thôi, chứ không để bụng. Nhưng có lẽ cả 2 đều không vui. Chưa kể là với nhiều nhân viên bị sếp chửi suốt, tự nhiên hình thành thói quen: ai chửi nấy nghe và ít chịu thay đổi. Có 1 số nhân viên thì trở nên tự ti, mặc cảm và làm việc lê lết qua ngày.
Tôi nghĩ rằng, ngày nay, trong quan hệ sếp-lính, điều quan trọng nhất là sự tôn trọng lẫn nhau. Hơn nữa, tôi tâm niệm: khi không hài lòng, muốn phê bình ai đó thì cần xác định: mình muốn họ thay đổi điều gì? Và đâu là cách nói thích hợp nhất để nhân viên nhận ra, thay đổi và làm theo ý mình muốn. Và như vậy, quát tháo và chửi nhân viên ngu dốt không phải là lựa chọn tối ưu.
Có thể, có những bạn nhân viên rất dở, làm gì cũng sai. Sếp la rầy, hướng dẫn nhưng không thay đổi được. Công ty có thể dừng hợp đồng lao động với bạn đó nhưng tôi nghĩ, những người đó vẫn phải được tôn trọng và không đáng bị chửi rủa, mạt sát vì điều đó không giúp tình thế được cải thiện tốt hơn.
Đã là sếp mà mạt sát, đỏ mặt tía tai chửi nhân viên ngu dốt thì văn hoá tổ chức đó chưa ổn.
Phê bình, góp ý là nghệ thuật!
Anh Nguyễn Tuấn Quỳnh
CEO Alpha Books