Định vị cá nhân và cơn bão thông tin xã hội

Sống trong thời điểm bùng nổ truyền thông xã hội (social media) đã khiến nhiều bạn trẻ chới với giữa mê trận thông tin, nhiều khi không biết đâu là thông tin thực sự chính xác hoặc có giá trị. Câu hỏi đặt ra là người trẻ neo giá trị của mình thế nào trong sự trôi dạt thông tin của cơn bão truyền thông xã hội?

SVVN có cuộc trò chuyện với TS. Đỗ Anh Đức, người vừa hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh ngành Truyền thông tại Đại học Macquarie, Sydney, Australia.

Truyền thông xã hội

Thiếu thông tin, đói tri thức

Lê Ngọc Sơn: Kỷ nguyên số, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta ví công chúng đang chết ngập trong bể thông tin, nhưng chết đói bởi thiếu tri thức. Anh nghĩ thế nào về chuyện này?

Đỗ Anh Đức: Theo tôi đó chỉ là một cách nói cường điệu. Không ai chết và cũng không ai đói cả. Nhìn từ góc độ cuộc sống, tôi thấy việc bùng nổ thông tin phù hợp với xã hội mở của chúng ta – đa nguyên và phi tuyến tính. Mặt khác, hàm lượng tri thức trong thông tin chỉ có thể thoát khỏi tính tiềm năng của nó khi nó đi được vào đời sống và chịu sự va chạm, tương tác. Do đó, tôi nhấn mạnh góc độ tương tác liên cá nhân của chủ thể tiếp nhận và trao đổithông tin. Chính giao tiếp liên cá nhân mới làm tròn đường đi của thông tin và từ đó tri thức được chia sẻ.

Chúng ta hay hiểu một cách máy móc tri thức là cái gì đó như là chân lý, có tính đúng sai, thuộc về khoa học chính xác (sciences) nhưng chữ tri thức (knowledge) nói rộng ra bao hàm cả những kỹ năng, kinh nghiệm, sự nhìn nhận, quan điểm, văn hóa, tư tưởng… Tri thức có được từ quá trình đối thoại, tương giao, thương thỏa và thông diễn giữa các chủ thể.

Chính vì vậy, thay vì choáng ngợp hoặc tự bơi trong cái bể thông tin vô tiền khoáng hậu để rồi sợ bị chết đuối, thì hãy cùng nhau tạo dựng những phương tiện đi biển để có thể vượt qua thác ghềnh và chinh phục nó.

Đến đây chúng ta lại quay trở lại vấn đề cơ bản của quan hệ con người là giao tiếp. Làm thế nào để những giao tiếp liên chủ thể trở nên hiệu quả, làm giàu cho tri thức của mỗi người, tạo dựng mối quan hệ tương giao (communicative action) thì không chỉ đòi hỏi một sự dân chủ trong đối thoại mà còn cả những cam kết đạo đức của các bên tham gia (actors).

Nếu các bạn trẻ tạo dựng và chia sẻ hiệu quả mạng lưới quan hệ xã hội của mình (vốn xã hội) thì không sợ gì thiếu hay đói tri thức.

Lê Ngọc Sơn: Có những sự việc, mà thông tin mỗi báo đăng một kiểu khác nhau, báo “chính thống” và mạng xã hội lại thể hiện những cách giải thích khác nhau. Theo anh, người đọc trẻ cần làm gì để mình định được thông tin có giá trị?

Đỗ Anh Đức: Việc mâu thuẫn và không đồng nhất giữa thông tin báo chí – tạm gọi là chính thống – và mạng xã hội là bình thường. Một mặt nó tiếp nối đời sống của thông tin trong lòng dư luận, mặt khác nó là tín hiệu cho thấy quan hệ quyền lực giữa báo chí chính thống – với tư cách là một thiết chế – với các cá nhân –  mà ngày nay đã có trong tay công cụ giao tiếp là mạng xã hội – đã và đang thay đổi. Báo chí không thể tiếp cận công chúng theo lối cũ – áp đặt quan điểm từ trên xuống.

Là một thiết chế, báo chí chịu sự ảnh hưởng, chi phối qua lại với các thiết chế khác về chính trị, văn hóa, tư tưởng, đạo đức, tôn giáo v.v…Vì vậy, nó vẫn có tính bảo thủ. Trong khi đó, mạng xã hội vốn dĩ cởi mở, linh hoạt về bản chất. Tuy nhiên, vì là công cụ của các cá nhân – mà mỗi cá nhân lại vừa là chủ thể, vừa là đối tượng chịu tác động của các thiết chế nói trên – nên mạng xã hội cũng là một môi trường thực tiễn (practices) mà ở đó các tư tưởng (ideologies) của xã hội hiển thị và tương tác với nhau.

Do đó, tôi sẽ không nhấn mạnh sự đối lập hay là đối kháng giữa báo chí và mạng xã hội. Ngược lại, theo tôi, điều cần quan sát và nghiên cứu là những tương tác về mặt tư tưởng giữa hai địa hạt này mà khoảng cách giữa chúng chỉ cách nhau một đường link. Tôi thích nhìn mối quan hệ này trong một quá trình không ngưng nghỉ và không có mẫu số chung về hệ quả. Nó là một cuộc cọ xát tư tưởng mà không phải khi nào những tư tưởng áp đảo (dominant ideologies) cũng thắng thế.

Ngay việc bạn dẫn một bài báo trên status của mình, mọi người vào comment, chia sẻ thì timeline của bạn có thể coi như một giác đài nơi các tư tưởng va nhau chan chát. Có thể dùng chữ của nhà lý luận Marxist Antonio Gramscie ‘site of struggle’ để chỉ hiện tượng này.

Tuy nhiên, như tôi vừa trình bày, sự tương tác giữa các chủ thể là vô cùng quan trọng để mỗi người, qua truyền thông liên cá nhân, tự rút ra cho mình cái gì là quan trọng và ý nghĩa cần thiết trong vô vàn những sản phẩm gán nghĩa mà họ tiếp nhận mỗi ngày. Không có mẫu số chung, mà chính sự phong phú các mối quan hệ, sự trải nghiệm và vốn sống của mỗi người đem lại cho họ lợi ích nhiều hay ít khi tham gia vào quá trình tương tác ấy.

Lê Ngọc Sơn: Mạng xã hội đã giúp cho người trẻ thể hiện được tiếng nói của mình, có thể những tiếng nói đó thể hiện sự kháng cự lại với những quan điểm và cách áp đặt lỗi thời. Anh phân tích thế nào về khía cạnh này?

Đỗ Anh Đức: Câu hỏi rất hay! Câu chuyện của chúng ta đang nói về sự va chạm tư tưởng. Trong xã hội nào thì cũng có những xung đột giữa các thế hệ, giữa cái cũ và cái mới. Nhưng ở xã hội đang chuyển dịch và đang phát triển như Việt Nam, thì xung khắc này dường như mạnh mẽ hơn và diễn ra hàng ngày. Khoảng cách giữa các thế hệ, giữa những người quản lý và bị quản lý, giữa những người sử dụng và không sử dụng mạng xã hội ở ta là khá sâu sắc. Có thể vì vậy mà người ta nhìn nhận mạng xã hội như là một thế lực đối lập với cái xã hội truyền thống như ta đã biết. Về bản chất, sự mâu thuẫn là có, giữa một bên là xã hội cấu trúc bởi sự phân tầng, một bên là bởi mạng lưới. Nhưng trên thực tế, tôi vẫn cho rằng, không đúng và không phải lúc nào cũng là quan hệ đối kháng.

Trong khoa học xã hội người ta hay dùng cặp phạm trù ‘structure’và ‘agency’ để chỉ mỗi quan hệ giữa cấu trúc xã hội và các cá nhân. Structureở đây có thể hiểu chính là những thiết chế xã hội tác động và chi phối đời sống cá nhân. Agency là khả năng của cá nhân trong việc hành động và lựa chọn một cách độc lập.

Mối quan hệ này phản ánh tính chất của một xã hội và trả lời câu hỏi về áp lực mà cấu trúc tạo nên và tác động vào sự tự do ý chí (chữ ‘autonomy’ trong triết học Kant) của mỗi cá nhân.Triết gia Jugen Habermas cũng dùng cặp phạm trù hệ thống (system)và thế giới sống (lifeworld) để diễn tả mối quan hệ này. Theo đó, cái hệ thống xã hội với bản chất duy lý của nó hàng ngày xâm nhập, chi phối và thực dân hóa (colonisation) thế giới sống của mỗi cá nhân.

Nói về sự va chạm tư tưởng giữa hệ thống và cá nhân, mà ở đây ta đang coi mạng xã hội như là một tập hợp của các cá nhân, sẽ luôn có ba kịch bản về phía chủ thể chịu tác động là: chấp nhận hoàn toàn, chấp nhận một phần, và không chấp nhậnđối với một số tư tưởng nào đó. Kịch bản thứ tư theo tôi chính là bằng vào sự tự do ý chí của con người tác động ngược trở lại và cải tạo hệ thống. Chính vì vậy, điều tiên quyết vẫn là giải phóng con người và giải phóng tư tưởng.

Ở những xã hội còn chậm phát triển và nặng về truyền thống như Việt Nam, có thể nói sự tác động của hệ thống còn rất nặng nề. Các cá nhân, nhất là các bạn trẻ, phải luôn nương theo nó để tồn tại và tránh bị đụng độ và công kích. Ngoài những lí do chính trị, hệ thống thường dựa vào những cái gọi là giá trị truyền thống, chuẩn mực đạo đức, quyền lực tập thể để phán xét, “ném đá” các cá nhân và trong nhiều trường hợp đe dọa và làm thui chột những tiếng nói ngược chiều, những sự kháng cự (resistance).

Để định vị giá trị và bản sắc…

Lê Ngọc Sơn: Rõ ràng những bạn trẻ đang nắm bắt được mặt tích cực của mạng xã hội, để định vị bản sắc cá nhân. Anh có đồng ý quan điểm này?

Đỗ Anh Đức: Tôi luôn lạc quan và tin ở sự chủ động của các bạn trẻ. Nhắc lại, họ mới là người quyết định sự thể hiện của bản thân mình. Nói theo lý thuyết xã hội mạng lưới (network society), sự tham gia vào mạng lưới không thôi là chưa đủ. Trái lại, mạng lưới cũng có những nguyên tắc hoạt động của nó, nổi bật là nguyên tắc cộng/trừ (inclusion/exclusion), mà sự khắc nghiệt cũng không thua gì xã hội ‘thực’ ngoài kia.

Đứng ở tầm vóc vĩ mô, mỗi quốc gia trên thế giới này muốn phát triển được buộc phải tham gia vào mạng lưới toàn cầu, không thể cô lập. Khi ở trong mạng lưới, điều giúp cho nó tồn tại và hưởng lợi chính là nhận diện hay bản sắc (identity) của nó. Do đó, nhà lập thuyết về xã hội mạng lưới, Manuel Castells cho rằng hai đặc điểm nổi bật của chính trị thế giới hiện nay là quá trình toàn cầu hóa (globalisation) và quá trình tạo dựng bản sắc (identification). Nếu thất bại ở việc xây dựng bản sắc thì sẽ thất bại và thậm chí bị loại trừ ra khỏi mạng lưới.

Đối với các cá nhân cũng vậy. Mặc dù bản chất chúng ta sinh ra là khác nhau, nhưng cái nhận diện, hay bản sắc của mỗi cá nhân là cả một quá trình, bao gồm nhiều yếu tố tương tác bên trong và bên ngoài. Nếu không có bản sắc, bạn sẽ chìm nghỉm trong mạng lưới hàng vạn, hàng triệu người.

Trở lại vấn đề kháng cự, tôi cho rằng chính việc tạo dựng cái bản sắc cá nhân cũng thể hiện sự kháng cự đối với hệ thống. Hệ thống càng khắc nghiệt thì sự kháng cự càng đòi hỏi lòng dũng cảm. Tuy nhiên, kháng cự không có nghĩa là lúc nào cũng giương đầu chịu báng.Bằng rất nhiều hình thức sáng tạo, thoạt nhìn đơn giản, nhưng có tính vượt trội, giới trẻ đã và đang có những hành động thiết thực đáng ủng hộ. Có thể đơn cử từ những cuộc trò chuyện mở, những diễn đàn đối thoại trực tiếp, những quán cà phê “chém gió” với nhau, cho đến những dự án như Không còi, Vô ngôn, những cuộc tuần hành đấu tranh cho quyền lợi của người đồng tính, những chương trình từ thiện cá nhân v.v… Một xã hội hiện đại được xây dựng từ những câu chuyện như thế đó. Và đó là lí do cá nhân tôi, dựa trên sự quan sát giới trẻ lâu nay, cảm thấy hoàn toàn lạc quan.

Lê Ngọc Sơn: Nhiều người trẻ lên mạng xã hội thể hiện quan điểm và có một hình ảnh cá nhân khá tốt trên đó. Nhưng đôi khi nhầm lẫn giữa giá trị thực, và giá trị (được thổi) ảo. Anh giải thích thế nào về hiện tượng này?

Đỗ Anh Đức: Như tôi vừa nói, việc tạo dựng bản sắc là cần thiết và là một quá trình liên tục. Nó là cả một nghệ thuật. Dân gian có câu: hữu xạ tự nhiên hương. Nhưng chúng ta không ngồi một chỗ chờ tỏa hương. Tôi thích những bạn trẻ chủ động thể hiện mình thông qua hành động, quan điểm. Họ không phải lúc nào cũng đúng, họ có thể sai lầm, vấp ngã, thậm chí khủng hoảng. Nhưng chính sự trải nghiệm đó làm nên bản sắc của họ.

Mặc dù, sự nhận diện không chỉ phụ thuộc vào bản thân mỗi chúng ta, mà còn do ở nơi người khác nhìn chúng ta ra sao. Nhưng để tránh không đẽo cày giữa đường, thì chính bạn phải tự trả lời cho mình câu hỏi mình muốn gì. Và để trả lời được thì cách tốt nhất là lắng nghe trái tim và thành thật với những suy nghĩ của chúng ta.

Lê Ngọc Sơn: Trong bể thông tin thời này, người trẻ neo các giá trị và bản sắc của mình vào đâu? Làm thế nào để không bị trôi dạt bản sắc bởi những thứ ảo của cơn bão công nghệ/ truyền thông?

Đỗ Anh Đức: Xin nhắc lại, mối quan hệ giữa hệ thống và cá nhân là mối quan hệ hai chiều. Tính chất và hệ quả của nó ở từng xã hội, từng giai đoạn là khác nhau tùy thuộc vào từng bên. Trước khi kháng cự cái hệ thống, phê phán và cải tạo nó, thì cá nhân cũng dựa vào hệ thống để tồn tại và nương theo các giá trị của nó để định hình bản thân. Ví dụ bây giờ tất cả mọi người đều xài điện thoại Iphone, Ipad, tôi chỉ có thể là người sành điệu hoặc không lạc loài nếu tôi cũng sở hữu những thứ đó. Bởi nó đã trở thành thang định hình giá trị của hệ thống đối với tôi. Nói rộng ra, cá nhân trước hết định nghĩa mình và tổ chức cuộc sống của mình theo cách mà ta được quy cho là, gán cho là. Nhưng, như tôi đã trình bày ở trên, xã hội chỉ có thể phát triển khi những quy ước cũ, những tư tưởng cũ liên tục bị thách thức và đánh đổ để cái mới được ra đời. Đó là một sự kháng cự lành mạnh của cá nhân trên tinh thần tự do ý chí. Trong lý thuyết mạng lưới, nó được gọi bằng những thuật ngữ ‘resistance identity’ (tạm dịch: định hình bản sắc thông qua sự kháng cự) và ‘project identiy’ (tạm dịch: định hình bản sắc bằng hành động cụ thể qua các dự án cá nhân như đề cập ở trên).

Tôi không có ý định khuyên bảo các bạn trẻ. Chúng ta biết, “ngọc bất trác bất thành khí”. Ở trên tôi cũng đã nói đến tri thức có được thông qua lao động miệt mài và sự tương tác. Bản sắc cũng không phải là cái gì bất biến mà bạn có thể cầm nắm hay tự hài lòng như là đã sở hữu được. Nó được định nghĩa thông qua việc chúng ta dám sống, dám nghĩ và dám làm cho hoài bão của mỗi người.

Xin cảm ơn anh.

Lê Ngọc Sơn (thực hiện)

Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest
Scroll to Top