Chuyên gia nói về việc xây dựng thương hiệu cá nhân

Xây dựng thương hiệu cá nhân là một trong những kỹ năng quan trọng giúp bạn thành công trong cuộc sống và tăng giá trị bản thân.

Thạc sĩ Bùi Quang Vĩnh, chuyên gia giảng dạy về kỹ năng mềm, chia sẻ các ý kiến cùng cách thức xây dựng thương hiệu cá nhân như sau:

Thương hiệu cá nhân hay còn gọi là nhân hiệu

Một sản phẩm hay một công ty cần có “thương hiệu” thì con người càng cần có “thương hiệu” để tăng giá trị bản thân. Thương hiệu cá nhân theo chữ Hán là “Nhân hiệu”: “Nhân” là Người; “Hiệu” là dấu hiệu nhận biết, phân biệt. “Nhân hiệu” là giá trị của một cá nhân nhờ vào các nguồn lực sẵn có: Học vấn, thành tích trong kinh tế, xã hội…  xây dựng nên. Nhân hiệu giúp cộng đồng phân biệt được cá nhân với những người khác trong xã hội.

Hiện DN khi tuyển dụng luôn đánh giá cao giá trị bản thân của ứng viên. Họ thường chú ý những ứng viên có những điểm khác biệt về cá nhân.  Nhờ vào “Nhân hiệu”, bạn có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp và mở rộng lĩnh vực hoạt động. Song, điều này chỉ xảy ra đối với những “Nhân hiệu” được xây dựng trên nền móng vững chắc.

Trong thực tế cuộc sống, người có “Nhân hiệu” có thể tác động và ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN. Điều này dễ được nhìn thấy nhất ở giới làm nghệ thuật và thể thao: hoa hậu, người mẫu, ca sĩ, nhạc sĩ, cầu thủ bóng đá…! Nhờ “Nhân hiệu”, họ có thể kiếm được rất nhiều tiền, có nhiều người hâm mộ, nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp và mở rộng lĩnh vực hoạt động. Nhờ sự nổi tiếng, họ được xã hội chú ý, DN mời chào tham gia các chương trình quảng cáo, giới thiệu sản phẩm… Họ có thể đứng ra quyên góp tiền làm từ thiện cho trẻ em nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương và các chương trình từ thiện khác…

Nhìn chung có được “Nhân hiệu” sẽ giúp bạn làm được các việc có ý nghĩa cho bản thân và cho xã hội. Nhiều “Nhân hiệu” đã và đang trường tồn với thời gian, ví dụ như tên tuổi: nhà văn Nguyễn Du, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra đối với những “Nhân hiệu” được xây dựng dựa trên nền móng vững chắc. Bản thân họ phải có tố chất, tài năng thực thụ, có trình độ học vấn, có quá trình trải nghiệm, rèn luyện và học hỏi…

“Thực tế cũng đã có những “Nhân hiệu” bong bóng được xây dựng dựa trên các vụ tai tiếng (scandal), công nghệ lăng xê…nhưng các “Nhân hiệu” này thường “bỗng dưng nổi tiếng” và “bỗng dưng vụt tắt”.

Hãy thể hiện chính mình

“Vấn đề then chốt trong xây dựng “Nhân hiệu” là hãy thể hiện chính mình thay vì để người khác làm việc đó. Bạn phải có khả năng ảnh hưởng đến mọi người để họ chấp nhận bạn là ai theo cách mà bạn mong muốn, dựa trên những điểm mạnh, những giá trị, những mục tiêu và những cá tính riêng của bạn. Như vậy, bạn phải biết “Nhân hiệu” của bạn phản ánh cái gì? “Nhân hiệu” của bạn muốn phản ánh cái gì? Và bạn sẽ làm gì để nâng cao “Nhân hiệu” đó?

Bạn hãy thể hiện chính mình và những gì mình đại diện trước những người mà mình cần phải tiếp xúc: những nhóm công chúng mục tiêu, những người hàng xóm, gia đình, bạn học, thậm chí cả với những người đi đường. Hãy làm như thế liên tục và thật tự tin, thoải mái. Như vậy là bạn đang thực hiện tốt công việc xây dựng thương hiệu cá nhân của mình.

Để có được “Nhân hiệu”, bạn sẽ phải đối mặt với một số rủi ro. Mọi sự thay đổi dễ dẫn đến nguy cơ lạc lối nếu bạn không biết cái gì phù hợp với mình, hay bị áp lực từ sự kỳ vọng của mọi người. Khi bạn là người của công chúng, mọi hành động, mọi việc làm của bạn đều được giám sát rất chặt chẽ. Điều này khiến bạn phải luôn luôn giữ hình ảnh của mình tươi, sạch. Là người của công chúng, bạn phải thay đổi hoặc phải từ bỏ một số thói quen, niềm vui. Từ bỏ các thói quen, niềm vui không dễ, phải tập dần dần và bạn phải luôn nhắc nhở mình trước khi làm điều gì đó…

Bạn cũng sẽ bị quan sát kỹ hơn, bởi nhiều người hơn. Đặc biệt cuộc sống riêng tư của bạn có thể bị xáo trộn, thậm chí bị xâm hại. Ngoài ra, bạn phải chịu áp lực từ chính bản thân mình, tự bạn phải đề ra những kế hoạch thực hiện sao cho có kết quả tốt nhất. Và bạn còn bị áp đặt một số cách hành xử theo công chúng, chẳng hạn đa số công chúng muốn bạn thể hiện theo ý thích của họ, nếu không đáp ứng, bạn có thể sẽ bị mất đi sự ái mộ họ dành cho bạn, dù cách hành xử đó bạn có thể không thích.

Ngoài ra, bạn phải chịu áp lực để giữ vị trí/ giá trị “Nhân hiệu”. Có thể bạn còn có cả kẻ thù, đối nghịch từ những người thua cuộc… Nhìn chung, để có được nhân hiệu, bạn sẽ phải đối mặt với mọi sự thay đổi cùng những cạm bẫy và thách thức.

“Truyền thông hữu ý và vô ý” – Diễn giả Quách Tuấn Khanh:

Giá trị một sản phẩm, dịch vụ chỉ đến được với đại chúng bằng con đường truyền thông hữu ý. Song, giá trị bản thân của mỗi con người lại được thể hiện dưới nhiều phương cách khác nhau, hoặc hữu ý, hoặc vô ý. Vô ý là vì đôi lúc, bạn chẳng cần lên chiến lược, mục tiêu để giúp định vị hình ảnh bản thân, song chính sự xuất hiện của bạn trong những mối quan hệ, trong những cách giao tiếp lại là cách bạn để người ta đánh giá về giá trị của bản thân bạn, dù những đánh giá ấy có thể sai. Do đó, nếu bạn không ý thức xây dựng cho mình một hình ảnh cá nhân, thì giá trị của bạn sẽ phụ thuộc vào sự đánh giá bên ngoài của thiên hạ. Bởi vì những gì người ta nghĩ, nói và đối xử với bạn tùy thuộc vào cách thức bạn tạo cho mình một giá trị để định vị. Thế nên, tiến trình tạo lập hình ảnh, giá trị, hay thương hiệu cá nhân là một tiến trình đòi hỏi bạn phải ra công xây dựng một cách có ý thức.

Đây là một quá trình đòi hỏi sự nhận thức đúng, sự nỗ lực và tập luyện nghiêm túc. Đó là chưa kể đến việc nếu người khác đã có cái nhìn méo mó hay sai lệch về mình, hay quá khứ của mình là một hình ảnh chưa đẹp do mình chưa có ý thức phải xây dựng hình ảnh cá nhân, thì việc xây dựng lại một hình ảnh mới để thay thế hình ảnh cũ ấy lại càng đòi hỏi phải kiên trì và phấn đấu nhiều hơn nữa. Công việc này đòi hỏi bạn phải có kế hoạch, chiến lược và mục tiêu cụ thể.

Một thương hiệu cá nhân thành công là khi nhắc đến tên bạn, người ta sẽ nghĩ ngay đến những nét tính cách, những giá trị đặc thù mà bạn đã tạo lập cho chính mình. Và điều quan trọng của một thương hiệu cá nhân thành công không có nghĩa là bạn phải quảng bá tên tuổi của mình càng rộng càng tốt, mà là để những ai biết đến bạn đều dành cho bạn một thái độ trân trọng và đánh giá đúng những giá trị mà bạn thể hiện.

7 cách xây dựng và phát triển thương hiệu cá nhân

  • Hãy là chuyên gia trong lĩnh vực của mình
  • Hãy giúp đỡ mọi người bằng chuyên môn ấy
  • Tham dự vào cộng đồng trong lĩnh vực của bạn
  • Kết nối với mọi người liên quan
  • Đừng ngại chia sẻ những khía cạnh cá nhân
  • Lập và thực hiện kế hoạch khuyếch trương thương hiệu cụ thể, chi tiết
  • Luôn là chính mình

Các bài viết cùng chủ đề:

  1. Các quy luật xây dựng thương hiệu cá nhân
  2. Các bước xây dựng thương hiệu cá nhân từ trung bình
  3. Tạo dựng thương hiệu cá nhân với mạng xã hội
  4. Chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân: hãy là chính mình
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest
Scroll to Top